Liên quan đến cái chết bí ẩn của nhà báo Tôn Phúc (Nguyễn Vũ Tôn Phúc), chiều ngày 30/8, PV Dân Việt đã gặp ông Nguyễn Tường Lộc - nguyên là nhà báo của Báo Sài Gòn Giải Phóng (đã nghỉ hưu và hiện đang là cộng tác viên của báo), người đã có chuyến đi cuối cùng với Tôn Phúc xuống Vĩnh Long làm việc từ thiện. Ông Lộc cho biết, có chút nghi vấn về nguyên nhân cái chết của nhà báo Tôn Phúc. Theo ông Lộc, cái chết của Phúc liệu có phải là một tai nạn hay còn có một nguyên do nào khác, cần được cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ.
Nguyễn Vũ Tôn Phúc (Ảnh từ facebook).
Ông Nguyễn Tường Lộc kể, vào ngày thứ bảy và chủ nhật (24 - 25/8/2019), ông Lộc và nhà báo Tôn Phúc về xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long thăm một hộ gia đình nghèo đồng thời xem xét hoàn cảnh của họ ra sao, để đề nghị nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí xây tặng một ngôi nhà tình thương, trị giá 45 triệu đồng. Trước đó, nhà báo Tôn Phúc cũng đã về huyện Tam Bình, được anh Tiến - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tam Bình hướng dẫn đi khảo sát xây tặng cây cầu nông thôn trị giá 200 triệu đồng tại xã Hòa Thạnh, Tam Bình.
Về đến Tường Lộc, mọi người xác minh địa chỉ hộ nghèo cần giúp đỡ hoàn toàn chính xác. Sau khi chụp ảnh ngôi nhà, quay phim cảnh sinh hoạt của gia đình cần giúp đỡ, Tôn Phúc gửi ngay về cho nhà tài trợ bên Mỹ, được họ đồng ý giúp đỡ. Nhà tài trợ hẹn tháng 1/2020 sẽ về trao tiền xây cầu nông thôn và xây nhà tình thương.
Ông Lộc cho biết, lúc đó ai cũng mừng rỡ với kết quả quá tốt đẹp. "Đêm chủ nhật, tôi và nhà báo Tôn Phúc đi chuyến xe khuya khởi hành từ Tam Bình lúc 1h sáng, về đến Bến xe Miền Tây lúc 4h40 sáng. Tôi đi xe buýt về nhà để kịp vào cơ quan chào cờ sáng thứ hai 26/8/2019. Còn Tôn Phúc đi xe buýt về Bến xe Miền Đông lấy xe máy gửi nơi đó", ông nói.
Theo ông Lộc, trước khi chia tay tại Bến xe Miền Tây, Tôn Phúc cho biết là còn phải tìm gặp họa sĩ Ngô Thanh Tùng, người đang trình bày quyển đặc san “Giáo dục và Pháp luật”, đầu tháng 9/2019 phát hành.
Đến 11h ngày thứ hai 26/8/2019, Tôn Phúc điện thoại cho ông Lộc nhắn ra quán Đất Phương Nam, phường Tân Định (quận 1) nhậu, có họa sĩ Ngô Thanh Tùng, Lương y Đinh Công Bảy, thầy giáo Vũ Lý trước có dạy môn Anh văn tại huyện Tam Bình. Tôn Phúc gọi cho ông Lộc nhiều lần nhưng ông bận việc không ra được.
"Đến khoảng 4h chiều, Tôn Phúc lại gọi tôi thêm lần nữa, nói rằng ra quán số 7 đường Nguyễn Văn Lượng, Gò Vấp có thầy Ngô Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông, thầy Thành-Phó Giám đốc Trung tâm, và một số bạn bè khác. Nhưng tôi cũng không đi được, vì công việc chưa xong, tôi chỉ khuyên Tôn Phúc là đường về nhà còn xa, nhớ chừa đường về. Từ đó đến khi hay tin Tôn Phúc đã chết, tôi không còn liên lạc gì với Tôn Phúc nữa", ông Lộc kể.
Sau đó, ông Lộc cho biết thêm, thầy Ngô Văn Hiền thường xuyên gọi báo là Tôn Phúc mất tích, không về nhà, gia đình đang lo lắng nhưng không biết tìm ở đâu. Thầy Hiền còn nhờ ông liên lạc bạn bè mà Tôn Phúc thuờng nhậu chung, xem có tìm ra manh mối gì không.
Cũng theo lời ông Lộc, thầy Hiền cho biết Tôn Phúc đến nhậu tại quán số 7 Nguyễn Văn Lượng đi xe ôm, nói xe bị hư đang bỏ sửa và nói hết tiền, có mượn thầy Thành 500.000 đồng. Sau đó một người bạn khác đưa thêm 1.000.000 đồng. Thầy Hiền cho biết thêm Tôn Phúc ra về còn rất tỉnh táo, không có biểu hiện say xỉn. Nếu say, thì thầy Hiền kêu ở lại rồi. Một số bạn bè còn cho biết là mãi đến 21h ngày thứ hai 26/8, Tôn Phúc còn nhắn tin trên FB, sau đó không còn liên lạc được.
Hình ảnh Tôn Phúc và chiếc xe máy hiệu Majesty trên facebook.
Ông Lộc cho biết có một chi tiết đáng quan tâm: Ngày 29/8, khi hay tin Tôn Phúc đã chết, gia đình người nghèo tại Tam Bình là người được Tôn Phúc hứa vận động tài trợ ngôi nhà tình thương, cứ cầu xin tin Tôn Phúc chết là do nhầm lẫn. Người hiền lành, đức độ như Tôn Phúc làm sao chết dễ vậy được.
"Họ gọi thử số điện thoại của Tôn Phúc vừa mới cho hôm đến nhà. Bên số điện thoại của Tôn Phúc có người đàn ông trả lời: “Ai đó, có việc gì không?”. Người này nói: “Dạ, tôi là người quen của anh Tôn Phúc, hỏi thăm anh Phúc có khỏe không?", thì điện thoại vụt tắt, gọi lại chỉ nghe ò í e… Họ liền gọi báo cho tôi hiện tượng này, rồi cứ thắc mắc hoài", ông Lộc tiết lộ.
Ông Nguyễn Tường Lộc băn khoăn, đến hôm nay, dù cơ quan chức năng đã xác minh nhà báo Tôn Phúc chết đã rõ, các tang vật trên người vẫn còn nguyên, nhưng nguyên nhân vì sao dẫn đến cái chết của anh vẫn chưa được làm rõ.
"Điều này, rất mong các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhà báo Tôn Phúc trước dư luận đang rất quan tâm", ông Lộc nói.
Như đã đưa tin, ngày 29/8, Cơ quan CSĐT Công an quận 2, TP.HCM cho biết đang thụ lý điều tra "vụ chết người chưa rõ nguyên nhân" mà nạn nhân là một nhà báo. Theo Công an quận 2, khoảng 10h30 ngày 28/8, nhân viên bến phà Cát Lái (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) phát hiện một thi thể trôi trên sông gần khu vực bến phà nên báo công an phường. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi ghi nhận thi thể là nam giới trong giai đoạn phân hủy, mặc áo thun ngắn tay màu đen, quần jean dài màu xanh, tóc cắt ngắn. Tay trái đeo đồng hồ kim loại màu vàng, dây màu đen, ngón tay trái đeo một nhẫn kim loại màu vàng, trên cổ đeo dây chuyền kim loại màu trắng. Trong túi quần có một ví nam, bên trong có CMND tên Nguyễn Vũ Tôn Phúc (44 tuổi, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) và một số giấy chứng nhận thẻ hội viên, thẻ nhà báo, một điện thoại di động hiệu Samsung, một điện thoại di động hiệu Mobell. Ngoài ra, còn có một giấy đăng ký xe máy hiệu Majesty biển số 53P7-3896 và người đứng tên trên giấy đăng ký xe là anh Lê Hoàng Vũ (55 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM). Theo gia đình, ông Phúc liên lạc lần cuối với người thân vào tối 26/8. Trước đó 4 ngày, ông Phúc nói với gia đình đi công tác tại tỉnh Vĩnh Long. Tối 26/8, ông Phúc gọi điện thoại dặn vợ chờ cửa và sẽ về nhà trong đêm. Nhưng đến sáng 27/8, ông Phúc vẫn chưa về nhà và mất liên lạc hoàn toàn. Trong tối 30/8, Công an quận 2 xác nhận đã tìm thấy chiếc xe máy của Tôn Phúc trên bờ, cách hiện trường phát hiện thi thể không xa. |