Dân Việt

Mối nguy khi xe đạp điện "lộng hành" trên đường

27/02/2013 06:24 GMT+7
Tình trạng xe đạp điện chở 3 phóng với tốc độ 30-40km/h lấn sang cả phần đường dành cho xe máy, ô tô ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều bạn trẻ điều khiển xe chỉ với một tay lượn lách đánh võng trên đường...

Không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương đương xe máy… là những lý do hấp dẫn khiến không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn xe đạp điện. Tuy vậy, ngoài một số ưu điểm, loại phương tiện này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông…

Không cần bằng lái vẫn phóng vù vù

img
Xe đạp điện chở 3, không đội mũ bảo hiểm vô tư phóng trên đường

Chị Vũ Thị Phụng, ở phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình bực bội kể lại vụ va chạm giao thông cách đây 4 ngày. Hôm đó khi chị vừa dừng xe chờ đèn tín hiệu giao thông trên đường Đê La Thành thì có một tốp học sinh đi xe đạp điện vượt đèn đỏ. Do những chiếc xe này có tốc độ khá cao nên chỉ cần chạm nhẹ vào chiếc xe của chị Phụng thì cả người và xe của chị đổ kềnh ra đường. Chị Phụng ngẩng lên thì chỉ kịp nhìn thấy 2 chiếc xe đạp điện, mỗi chiếc chở 3 thanh niên lao đi vun vút: “Tôi không bị thương nặng nhưng khắp người đau ê ẩm, chưa thể đi lại bình thường được. Thật quá nguy hiểm”!

Liên quan đến xe đạp điện, cách đây chưa lâu trên đường Trần Phú - Hà Huy Tập (thành phố Nam Định) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bà Đỗ Thị P, ở TP Nam Định mượn xe đạp điện của hàng xóm đi chơi phố, do lúng túng trong xử lý tình huống bị ngã xuống đường. Không may vào thời điểm đó có 1 xe ô tô đã chạy qua cán lên người bà P khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ.

Vài năm trở lại đây, xe đạp điện đã trở thành trào lưu trong giới trẻ. Đây cũng là loại phương tiện được người cao tuổi và giới văn phòng lựa chọn. Các cửa hàng xe đạp điện theo đó mọc lên như nấm. Tại một số tuyến phố như Nguyễn Lương Bằng, Kim Mã, Bà Triệu… chúng ta có thể bắt gặp hàng chục cửa hàng bán xe đạp điện.

Các sản phẩm này có giá dao động ở mức 7-15 triệu đồng, xe cũ đã qua sử dụng có giá chỉ 3-4 triệu đồng/chiếc. Với loại xe xuất xứ từ Trung Quốc có giá thấp hơn song chất lượng thì… không ai dám bảo đảm. Thông thường, sự khác biệt về giá phụ thuộc vào loại trữ năng lượng điện chạy xe là pin hay ắc quy.

Có thể nói, xe đạp điện hiện có đến hàng trăm mẫu, đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc bắt mắt. Có những chiếc xe được thiết kế chẳng khác gì các dòng xe máy tay ga cao cấp như Spacy, SCR…. Những lời giới thiệu hấp dẫn về xe đạp điện như không cần mũ bảo hiểm, không bằng lái, không tốn xăng của các cửa hàng bán mặt hàng này đã thu hút được sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là các em học sinh.

Song kéo theo đó, tình trạng những chiếc xe đạp điện chở 3 phóng với tốc độ 30-40km/h lấn sang cả phần đường dành cho xe máy, ô tô ngày càng trở nên phổ biến. Để chứng tỏ sự “sành điệu”, nhiều bạn trẻ điều khiển xe chỉ với một tay lượn lách đánh võng trên đường.

Nguy cơ mất an toàn giao thông

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện ở nước ta đã xuất hiện nhiều loại xe hai bánh lắp động cơ điện có tốc độ trên 50 km/h, trong khi bộ phanh chỉ bảo đảm an toàn khi xe chạy với vận tốc tối đa là 25 km/h. Theo nguyên lý, để đạt được cùng tốc độ, đường kính lốp nhỏ hơn thì số vòng quay phải lớn hơn, do đó độ văng lớn hơn. Trong khi đó, tiết diện tiếp xúc với mặt đường của lốp xe đạp điện khá nhỏ, dẫn tới độ ma sát với mặt đường kém. Điều này là vô cùng nguy hiểm.

Do nguy cơ gây mất an toàn cao nên việc quản lý loại xe này cần được quy định chặt chẽ, với những chế tài đủ sức răn đe những đối tượng có hành vi vi phạm. Tuy vậy, hiện việc quản lý xe đạp điện, xe máy điện còn chưa thống nhất nên chưa có số liệu đánh giá cụ thể về chất lượng của loại xe này, dẫn đến hiện tượng ngoài một số dòng xe chính hãng chất lượng tốt thì còn không ít các loại xe rẻ tiền không có có đầy đủ các bộ phận như đèn, còi, xi nhan… vẫn được bày bán tràn lan.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, lỗi vi phạm chủ yếu của các đối tượng điều khiển xe đạp điện là phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng trên đường. Song chế tài xử lý vi phạm còn rất thấp nên vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.

Theo điểm i, khoản 3, điều 9 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”. Một vấn đề bất cập nữa là dù có chiếc xe đạp điện có giá hàng chục triệu đồng song nếu xảy ra mất xe thì chủ xe cũng khó có thể tìm lại do xe không đăng ký biển kiểm soát.

Có thể nói khó khăn nhất trong quá trình xử lý vi phạm của cơ quan chức năng là đối tượng điều khiển xe đạp điện thường là học sinh phổ thông nên nhận thức còn hạn chế, không có tiền nộp phạt.

Do vậy, về lâu dài để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông từ xe đạp điện, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những đối tượng không chấp hành Luật GTĐB khi lưu thông bằng xe đạp điện để làm gương. Người sử dụng xe cần nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không nên coi xe đạp điện chỉ là… xe đạp. Các gia đình trước khi mua xe cho con em nên trang bị đầy đủ cho các em những kiến thức liên quan và cách sử dụng xe hiệu quả và an toàn.

Theo kỹ sư chế tạo máy Phạm Huy Nam, khi sử dụng xe đạp điện, chủ xe phải lưu ý kiểm tra bình ắc quy, tay phanh, tay ga, vị trí của động cơ, hệ thống điện, mô tơ, mạch điều khiển... Những trục trặc thường gặp ở xe đạp điện là bình ắc quy yếu điện, bộ sạc không nạp và tay ga bị kẹt hay lỏng, bình điện không sạc được.

Người sử dụng cũng nên nạp điện hàng ngày cho xe, kể cả khi xe không chạy bởi nếu một ắc quy bị hỏng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ắc quy còn lại nên có thể sẽ phải thay toàn bộ, gây tốn kém không cần thiết. Ngoài ra, khi mua xe, khách hàng cũng nên mua hàng chính hãng để được bảo đảm về chất lượng cũng như việc bảo hành sản phẩm sau này.

Theo An ninh Thủ đô