Cụ thể, thí sinh sẽ bị đình chỉ và hủy kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm: Mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng trái với quy định, mang vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia rượu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi; nhận bài giải sẵn của người khác; chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp bài thi của mình hoặc có bài thi giống nhau do chép bài của nhau.
Ảnh minh họa |
Quy chế bổ sung cũng nêu rõ, các trường hợp bị hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm: Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo; Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; Khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.
Sau “sự cố Đồi Ngô” năm 2012, Bộ GD-ĐT cũng quyết định thành lập tổ chấm kiểm tra tại mỗi hội đồng thi tốt nghiệp và Hội đồng chấm thẩm định.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tổ trưởng tổ chấm kiểm tra là Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi; Chủ tịch Hội đồng chấm thi có thể phân công một thành viên của Hội đồng chấm thi làm Phó tổ trưởng nếu thấy cần thiết; Các tổ viên là cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt.
Tổ chấm kiểm tra sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận của các Hội đồng chấm thi; Hội đồng này chịu trách nhiệm cuối cùng và trình Bộ trưởng về việc xử lý điểm chính thức của bài thi.
Tùng Anh