Dân Việt

Kỳ 3: Ngày đau thương của đất nước, của dân tộc

Gia Tưởng 02/09/2019 13:30 GMT+7
Trong kỳ 2 của loạt bài “50 năm giữ gìn thi hài Bác: Những chuyện chưa kể”, chúng ta đã biết đến công tác xây dựng những công trình đặc biệt để chuẩn bị cho sự ra đi của Bác Hồ. Ngày 2/9/1969, chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại trải qua một nỗi đau, sự mất mát to lớn đến như vậy, khi Bác Hồ kính yêu - vị Cha già dân tộc qua đời. Người ra đi khi đất nước còn chia cắt và ước mong được vào thăm đồng bào miền Nam vẫn đau đáu trong tim.

Tâm nguyện chưa thành

“Nỗi nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà. Miền Nam thương Bác nỗi thương Cha” - ngay cả những ngày cuối đời, lúc nào Người vẫn chỉ có một tâm nguyện là một lần được vào thăm, chiến đấu cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam. 

Năm 1968, theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, Bác Hồ sang Bắc Kinh nghỉ ngơi và chữa bệnh. Đồng chí Lê Đức Thọ trước khi vào miền Nam công tác đã sang chào Bác.

img

Giây phút Bác Hồ ra đi.

Khi nghe đồng chí Thọ báo cáo về chuyến đi sắp tới, Bác tha thiết đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác đi miền Nam. Bác nói: “Chú vào trong đó bàn với chú Hùng (Phạm Hùng) bố trí để Bác vào thăm đồng bào miền Nam”. Đồng chí Thọ đã khéo léo từ chối: “Bác chỉ có thể đi đường hàng không, qua Phnôm Pênh. Muốn vậy phải làm hộ chiếu, người ta dễ dàng nhận ra Bác vì Bác có râu”. Bác bảo: “Thì Bác cạo râu đi”. “Nhưng cạo râu thì đồng bào miền Nam không nhận ra Bác nữa” - đồng chí Thọ trả lời.

Sau thoáng chút buồn, Bác lại bảo: “Cho Bác đi đường biển, Bác sẽ cải trang thành thuỷ thủ hoặc được giấu dưới hầm tàu” (hồi đó rất nhiều tàu chở vũ khí của ta vẫn cập vào các cảng của miền Nam).

Biết Bác đã vạch ra kế hoạch tỉ mỉ chi tiết từ trước chuyến vào thăm miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ lại khéo léo trì hoãn và hứa “tình hình còn rất nhiều khó khăn, Bộ Chính trị sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam sớm được gặp Bác”.

Lúc chia tay, Bác đã ôm lấy đồng chí Lê Đức Thọ, cả hai người đều khóc. Trong suốt chuyến công tác vào miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ lúc nào cũng canh cánh hình ảnh này, quyết tâm làm mọi việc để sớm hoàn thành tâm nguyện của Người. Nhưng cuối cùng, ước mong được vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam chưa thực hiện được thì Người đã ra đi.

Phút giây định mệnh

Mồng 1 Tết Nguyên Đán năm 1969, Bác đến thăm Quân chủng Phòng không Không quân và men theo quốc lộ 11 lên thăm nhân dân huyện Bất Bạt, Sơn Tây. Sau chuyến đi đó, sức khoẻ của Người đã có những biểu hiện xấu, các nhân viên chăm sóc khi kiểm tra điện tim thấy sóng tim đều đảo ngược. Hội đồng bác sĩ chẩn đoán Bác đang bị nhồi máu cơ tim bước đầu. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã quyết định mời các giáo sư, bác sĩ Trung Quốc sang điều trị cho Bác. Trước đó, khi phát hiện sức khoẻ của Bác ngày một yếu đi, bác sĩ đã yêu cầu Bác ngừng hút thuốc, Bác nghe nhưng Bác ho ngày một nhiều thêm nên bác sĩ đành phải để Bác hút thuốc lại.

img

Những người thân vĩnh biệt Bác.

Tháng 5/1969, Bác sửa bản Di chúc lần cuối. Đây là tài liệu Bác tự coi là tuyệt mật và bắt đầu viết từ hè năm 1965. Bác không muốn cho mọi người biết Bác đang làm công việc cuối cùng của một đời người.

Bác thường viết vào một giờ nhất định. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác kể: “Đã có lần đồng chí Trường Chinh gọi điện xin phép làm việc với Bác đúng vào lúc Bác đang sửa bản Di chúc, Bác không thể tiếp khách vào giờ đó. Thế là phải bố trí đồng chí Trường Chinh vào ăn cơm cùng Bác buổi trưa để vừa ăn vừa bàn việc”.

Ngày 13/8/1969, Bác bị nhiễm lạnh, ho liên tục. Bác sĩ kiểm tra thấy phế quản viêm, điều trị bằng kháng sinh nhưng không khỏi. Đến ngày 23 phải dùng peneciline tiêm cho Bác. Khoảng 21h tối hôm đó, Bác thấy đau lồng ngực, khi kiểm tra các bác sĩ kết luận: Bác bị nhồi máu cơ tim thành sau. Đến ngày 28/8/1969, tim Bác có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần truyền nhĩ thất.

Tuy bị những cơn đau tấn công liên tục nhưng Bác vẫn gắng gượng và không hề sao nhãng việc nước. Mỗi lần nghe tin thắng trận ở miền Nam là gương mặt Người lại rạng rỡ hẳn lên. Khi đồng chí Phạm Văn Đồng vào thăm, Bác còn hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác căn dặn thêm: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”.

Sang ngày 31/8/1969, nghe tin bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ, Bác còn nói với văn phòng gửi tặng một lẵng hoa cho đơn vị lập công. Sau đó, Người ăn hết một bát cháo. Thấy Bác ăn ngon lành, ai cũng mừng. Nhưng tối hôm đó, trong lễ kỷ niệm Quốc khánh tại Hội trường Ba Đình, tất cả đều hồi hộp và lo âu trước những diễn biến xấu về sức khoẻ của Người, nhất là các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Và điều không ai mong đợi đã ập đến trong căn hầm giản dị cách nhà sàn của Bác không xa. Trên chiếc giường gỗ đơn sơ, Bác nằm im thanh thản. Vây quanh Bác là những chuyên gia y tế và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Đồng chí Vũ Kỳ ngồi ở đầu giường quạt cho Bác bỗng rời tay quạt, gục đầu xuống khóc nức nở. Đúng 9h47 ngày 2/9/1969, trái tim Bác đã từ từ ngừng đập.

Tuy vậy, các bác sĩ vẫn gắng hết sức xoa bóp cho Bác với một niềm hy vọng mãnh liệt nhưng rất mong manh. Trái tim Bác đập trở lại, nhưng hơn 1 giờ sau, đồng chí Phạm Văn Đồng gạt nước mắt đau đớn ra hiệu cho các bác sĩ ngừng hô hấp nhân tạo để Người được yên nghỉ…

Tuy bị những cơn đau tấn công liên tục nhưng Bác vẫn gắng gượng và không hề sao nhãng việc nước. Mỗi lần nghe tin thắng trận ở miền Nam là gương mặt Người lại rạng rỡ hẳn lên. Khi đồng chí Phạm Văn Đồng vào thăm, Bác còn hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác căn dặn thêm: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”.

(Còn nữa)