Nín thở cuộc hành quân trên bộ
Cuối năm 1969, giặc Mỹ liên tục tập kích thủ đô Hà Nội bằng những trận bom suốt ngày đêm, khu vực Bệnh viện 108 là một trong những trọng điểm bị đánh phá. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định phải di chuyển thi hài của Bác từ mật danh 75A lên K84.
Nhưng quyết định di chuyển bằng phương tiện gì thì thật khó. Đường không thì độ rung lắc quá lớn, đường thuỷ ngược sông Hồng đến ngã 3 Bạch Hạc lại ngược sông Đà thì mất thời gian, cuối cùng quyết định đi đường bộ. Nhưng phương tiện chuyên dụng lại không có, vì trên thế giới cũng chưa có cuộc di chuyển thi hài nào tương tự như vây.
Chiếc xe cứu thương chở linh cữu Bác. (Ảnh: G.T)
Cuối cùng, Ban chỉ đạo đã quyết định chọn xe Zin 157 của Liên Xô làm phương tiện. Thế là Xưởng công binh số 49 đã khẩn trương bắt tay vào cải tạo các bộ phận của xe, từ máy, bệ, gầm, đặc biệt là hệ thống nhíp của chiếc xe Zin 157 và tính toán lượng hơi cẩn thận để hạn chế tối đa độ xóc.
Tất cả những bộ phận phải luyện tập khẩn trương. Suốt 3 tháng trời, đêm nào chiếc xe Zin 157 cũng đều đều lăn bánh từ 75A đến K84. Còn những chiến sĩ có nhiệm vụ khiêng chiếc bể thuỷ tinh vừa nặng vừa trơn, trong đó có chứa linh cữu của Người, đã nghĩ ra cách lấy vải may thành địu quàng qua cổ để khỏi gặp bất trắc.
Ngày 24/11/1969, chỉ huy đoàn tại K84 nhận được điện khẩn của đồng chí Phùng Thế Tài: “Trước đây, các anh đổ nước vào thì bây giờ chuẩn bị múc nước ra”.
Khi tất cả đã sẵn sàng, đúng 23h ngày 23/12/1969, đoàn xe đặc biệt chuyên chở thi hài Bác được lệnh xuất phát. Lúc đó là mùa đông trời lạnh như cắt, để đảm bảo nhiệt độ trong xe phù hợp, hòm kính giữ thi hài được xếp 2 tấn lá cây xung quanh.
Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền có nhiệm vụ ngồi sau xe cùng với thi hài Bác, trong nhiệt độ rất thấp mà mồ hôi cứ vã ra như tắm, ông gỡ kính để lên nắp quan tài để đo độ rung.
Cứ mỗi lần qua chỗ xóc, đồng chí Kính Chi chỉ huy đoàn lại hỏi. Nhìn cặp kính vẫn ở vị trí cũ, bác sĩ Quyền lại trả lời: “Báo cáo không có chuyện gì xảy ra cả”. Khi trời vừa sáng tỏ mặt người, thi hài Bác được đưa vào trong khu nhà kính được chuẩn bị từ trước, lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm vì nhiệm vụ đã hoàn thành tuyệt đối.
Đêm 20/11/1970, biệt kích Mỹ dùng không quân tập kích xuống thị xã Sơn Tây. Hàng đoàn trực thăng đã bay qua khu vực K84, hòng cướp những tên giặc lái bị ta giam giữ tại trại giam Sơn Tây, nhưng ý định của chúng đã bị thất bại…
22h đêm 3/12/1970, đoàn xe đặc biệt lại một lần nữa đưa Bác về Hà Nội, dừng lại trước công trình 75A. Khi các chuyên gia Liên Xô kiểm tra hai miếng gạc đắp lên hai bàn tay Bác, hai miếng gạc vẫn nằm nguyên vị trí cũ, mọi người hiểu rằng tất cả đã làm nên một chuyến đi an toàn cho Bác.
Giặc Mỹ vẫn không từ một thủ đoạn nào đánh phá miền Bắc nước ta. Mùa thu năm 1971, chúng đã sử dụng 277 lần máy bay với 8.312 đơn vị hoá chất thả xuống lưu vực sông Hồng, sông Đà, gây nên những trận mưa dữ dội.
Trước nguy cơ vỡ đê sông Hồng, một lần nữa chúng ta lại phải quyết định di chuyển Người lên căn cứ K84.
8h sáng 19/8/1971, cả đoàn xe đồng loạt cắm cờ hoả tốc để hành quân. Trong đợt di chuyển này có nhiều đoạn đường bị ngập lụt, nên đoàn xe có thêm 1 chiếc xe Páp của công binh đã được cải tạo có thể đi dưới nước và chạy trên mọi địa hình.
Tới 17h chiều, đoàn xe đã lên đến khu căn cứ, nhưng đoạn đường vào đến nhà kính bị ngập nặng, xe Zin 157 không thể vượt được qua. Đoàn quyết định đưa linh cữu lên xe hồng thập tự, rồi chuyển toàn bộ xe hồng thập tự lên xe Páp.
Theo kế hoạch đã được định trước, hai thanh sắt đã được bắc làm cầu để cho xe hồng thập tự bò lên. Công việc diễn ra vô cùng căng thẳng, chỉ một sơ suất nhỏ thì hậu quả sẽ khôn lường. Trời lạnh mà đồng chí Nguyễn Văn Sướng lái xe hồng thập tự mồ hôi vã ra như tắm. Cho đến khi xe hồng thập tự yên vị trên xe Páp, mọi người mới bớt căng thẳng.
Cuộc vượt sông ngoạn mục
Chiếc xe Páp như một con tàu từ từ vượt qua những đoạn đường ngập nước rồi dừng lại trước ngôi nhà kính, lúc này công việc cho xe hồng thập tự xuống lại khó gấp bội lúc lên. Hai bánh sau của xe, rồi hai bánh trước từ từ bám vào đường ray với độ dốc 30 độ, bên dưới là một khoảng trống. Mọi người lúc đó im phăng phắc nín thở.
Khi chiếc xe hồng thập tự đã đặt cả 4 bánh thăng bằng trên mặt đất thì cũng là lúc đồng chí Sướng ngất xỉu, gục đầu vào tay lái. Khi tỉnh dậy, anh đã rất vui vì một lần nữa góp công hoàn thành một nhiệm vụ cao cả.
Xe Zin 175 được cải tiến làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác giữa Hà Nội và Ba Vì.
Đến tháng 7/1972, cường độ oanh tạc của không quân Mỹ ngày càng ác liệt hơn. Đảng ta đã nhận định, để đảm bảo an toàn phải đưa thi hài của Bác lên khu vực H2 - là một hang núi nằm ở tả ngạn sông Đà, cách K84 khoảng 15km, thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, sau đó được cải tạo và đặt tên là K21.
Nhưng, việc di chuyển phải vượt sông Đà đang vào mùa lũ. Lại một lần nữa chiếc xe Páp phải tập hàng chục lần bơi qua sông.
Đã có lần đang từ dưới sông bò lên, chốt tời bị gãy, xe chết máy đầu trên bờ, đuôi dưới sông phải nhờ máy ủi của đơn vị công binh kéo lên giúp. Sau nhiều đêm luyện tập vượt sông, đoàn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để chế ngự khúc sông dữ này.
Cuối cùng, 21h ngày 11/7/1972, đoàn xe chở thi hài Bác một lần nữa được lệnh rời khỏi K84, với sự yểm trợ của xe đặc chủng lội nước K61. Mặc dù đã được luyện tập thành thục, nhưng khi chiếc xe Páp từ từ bò xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy xiết, những bọt nước thi nhau táp vào đầu và hai bên thành xe, mọi người có mặt ai cũng thót tim.
Rồi cuối cùng, khúc sông nay là bến phà Đồng Luận này cũng bị chinh phục, đoàn xe từ từ tiến về hang K21. Cả khu rừng ở đây như mở rộng để đón Bác và cuộc vượt sông đã an toàn như dự kiến.
Sau 8 tháng Bác Hồ yên nghỉ tại K21, đến ngày 8/2/1973, các chiến sĩ của đoàn 69 lại vinh dự được đón Bác trở lại K84. Kết thúc hai chuyến vượt sông Đà thành công, thi hài Bác vẫn an toàn tuyệt đối.
22h đêm 3/12/1970, đoàn xe đặc biệt lại một lần nữa đưa Bác về Hà Nội, dừng lại trước công trình 75A. Khi các chuyên gia Liên Xô kiểm tra hai miếng gạc đắp lên hai bàn tay Bác, hai miếng gạc vẫn nằm nguyên vị trí cũ, mọi người hiểu rằng tất cả đã làm nên một chuyến đi an toàn cho Bác. |
(Còn nữa)