Một trong những tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh là vấn đề đoàn kết (ảnh tư liệu).
Đoàn kết góp phần ngăn nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền
Trong bài diễn văn tại Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều điểm trong Di chúc. Nhưng có lẽ điều đáng suy ngẫm nhất hiện nay là vấn đề đoàn kết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn, "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. "Đoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công mà nhờ đó, "từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác."
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Muốn xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải có sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để phát huy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tiền đề thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới.
Đoàn kết còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền. Do đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức "giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình;" thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hành tự phê bình và phê bình có lý, có tình, "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau."
Bác dặn nhiều điều nhưng quan trọng nhất là đoàn kết
Trao đổi với PV Dân Việt, GS –TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia) cho biết, Di chúc của Hồ Chủ tịch cho đến nay được tròn nửa thế kỷ, bản Di chúc là sự tiếp nối không có gì thay đổi của một tư tưởng nhất quán, đó là “Dân tộc- Tổ quốc - Nhân dân”.
Khi nói tới Đảng, Bác dặn nhiều chuyện quan trọng nhưng quan trọng nhất là “đoàn kết”. “Tại sao vậy, vì đất nước Việt Nam đã từng trải qua những thăng trầm lịch sử, oai hùng cũng lên tới tột đỉnh, đau thương cũng đến khôn cùng. Dân tộc ta thường xuyên phải đối phó với những hiểm họa, thử thách hiểm nghèo. Sức mạnh vô địch (sức mạnh ghê gớm), sức mạnh vô biên (không giới hạn) để vượt qua những thử thách đó chính là sự đoàn kết. Đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo, đoàn kết giữa lãnh đạo với nhân dân, đoàn kết giữa nhân dân với nhau”, GS Vũ Minh Giang nói.
Vẫn theo GS Giang, đoàn kết là truyền thống cực kỳ tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mỗi khi có khó khăn, thử thách tất cả mọi người cùng nhau siết lại tạo thành khối thống nhất. Nhớ lại thời nhà Trần, dân tộc ta 3 lần thắng đội quân Mông Nguyên hung hãn nhất thế giới. Đây là đội quân đi tới đâu thắng đó, nhưng đến xâm lược nước ta đã bại trận. Sau này Vua Trần hỏi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn kế giữ nước lâu dài, Hưng Đạo Vương trả lời: Thắng được giặc dữ là nhờ trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức, cho nên thượng sách để giữ nước là khoan thư sức dân tạo ra khối đại đoàn kết.
Trong lịch sử có rất nhiều bài học khác chứng minh sự thành công từ đoàn kết. Chính vì thế Bác Hồ tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, nói ngắn gọn để có thành công phải có đoàn kết.
GS Vũ Minh Giang cho biết, khi nói đến câu chuyện đoàn kết, Bác Hồ là người hiểu thấu lịch sử, hiểu thấu văn hóa và Bác lo trước cho tương lai. Khi chúng ta ở vào hoàn cảnh không phải chống trả giặc ngoại xâm, khi không có những khó khăn, thử thách, khi áp lực từ bên ngoài giảm thì sự gắn kết cũng giảm, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện.
Hiện nay, khi bộ phận không nhỏ những người cầm quyền ở vào điều kiện bình thường, không chịu áp lực từ bên ngoài, thì nguy cơ xuất hiện lợi ích nhóm, vơ vét cá nhân, tham nhũng, tha hóa, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Điều này đã được Đảng chỉ rõ trong các văn kiện. Có thể thấy lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện nó sẽ dẫn tới xung đột trong nội bộ, gây mất đoàn kết. Nếu chúng ta nghiêm túc học tập Di chúc của Bác Hồ thì phải thấy đây là điều Bác đã dặn và phải cố gắng tránh.
Vẫn theo GS Vũ Minh Giang, vấn đề thứ hai là đoàn kết giữa lãnh đạo với nhân dân. Trong lịch sử nhân dân ta luôn hết lòng, hết dạ phụng sự cách mạng. Khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền thì gần như hai bàn tay trắng nhưng rồi có tất cả. Tại sao được như vậy, đó là vì sự ủng hộ của nhân dân. Từ khi chúng ta giành chính quyền, rồi trải qua hai cuộc kháng chiến thành công, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước thu được nhiều thành tựu chính là nhờ lòng tin và sự ủng hộ của người dân.
“Hiện nay học tập Di chúc của Hồ Chủ tịch, chúng ta phải soi lại xem có chuyện mất lòng tin của nhân dân với lãnh đạo hay không. Trên thực tế là có, như vậy nó sẽ rạn nứt mối quan hệ giữa những người lãnh đạo với dân. Nếu như người dân thấy vị cán bộ lãnh đạo khệnh khạng, coi thường dân, sống xa hoa, ăn sang, ở sướng, con đi du học nước ngoài, còn người dân lặn lội kiếm ăn từng bữa, thử hỏi như vậy có tạo ra được sự đoàn kết giữa lãnh đạo với người dân hay không. Điều này có thể khẳng định rất khó”, GS Vũ Minh Giang nói.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, nếu có được đoàn kết từ trong Đảng sẽ tạo tiền đề thực hiện sự đoàn kết giữa Đảng với nhân dân. Từ đó hoàn toàn có khả năng ngăn chặn nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền và cũng tạo cơ sở để xây dựng sự đoàn kết giữa nhân dân với nhân dân. Làm được điều này, nghĩa là tạo ra sức mạnh để dân tộc vươn tới những khát vọng cao hơn.