Thực tế, trên thị trường Việt Nam cũng có rất nhiều hạt hướng dương đóng sẵn vào các túi nhỏ, bán phổ biến ở các quán trà, quán café, không thể biết rõ nguồn gốc. Cắn hạt hướng dương cũng là thói quen phổ biến của đa số người dân Việt.
Theo PGS TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cần phải có kiểm định để biết chất nhôm trong hạt hướng dương là loại hóa chất nào mới có thể khẳng định độ độc hại.
Ông Thịnh cho biết, có một số hóa chất có thành phần nhôm vẫn được phép sử dụng trong thực phẩm. Đơn cử như ôxít nhôm vẫn được sử dụng làm bột phủ màu bạc trong thực phẩm. Hay phèn nhôm có thể làm trong nước đục, khi hòa vào nước sẽ lắng cặn bên dưới, người sử dụng chỉ cần gạn lấy nước trong và bỏ chất lắng bên dưới đi là có thể sử dụng an tòan.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết, có một số chất nhôm gây độc hại cho cơ thể như teo não, ung thư, suy giảm trí nhớ… Nhưng độc hại đến đâu còn tùy thuộc vào hàm lượng chất đó có trong thực phẩm và số lượng thực phẩm người tiêu dùng đã sử dụng.
“Tất cả những chất không có trong danh mục danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm mà được sử dụng trong thực phẩm thì đều gây độc hại. Vì thế, người tiêu dùng cần phải lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được các cơ quan liên quan cho phép sản xuất và lưu hành trên thị trường để tự bảo vệ sức khỏe cho mình” – ông Thịnh cho biết.
Diệu Linh