Dân Việt

Hà Nội báo cáo 5 điểm thành công của Đại lễ

07/12/2010 15:21 GMT+7
Dân Việt - Bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết: Toàn bộ chương trình Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức thành công, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô.

Sáng nay 7-12, Kỳ họp thứ 22 HĐND Thành phố Hà Nội đã khai mạc kéo dài đến hết ngày 10-1 với nhiều nội dung quan trọng về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều người dân và cử tri quan tâm nhất là vấn đề đánh giá công tác tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và việc công khai mức kinh phí.

img
 

Đại lễ 1.000 năm gây ấn tượng sâu sắc

Báo cáo của HĐND TP Hà Nội khẳng định, kết quả thành công của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thể hiện trên 5 điểm chủ yếu.

Thứ nhất: Những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội qua 1.000 năm lịch sử: văn hiến - anh hùng - hòa bình và hữu nghị được tôn vinh, mang tầm quốc gia và quốc tế, với việc UNESCO ra Nghị quyết về việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trở thành không chỉ là nhiệm vụ của Thủ đô Hà Nội, của Việt Nam mà đã trở thành hoạt động của các quốc gia; 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới; đặc biệt là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tổng Giám đốc UNESCO đích thân sang dự Lễ khai mạc, trao Bằng công nhận và phát biểu ca ngợi Văn hiến Thăng Long - Hà Nội, văn hóa Việt Nam.

Thứ hai: Thông qua các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã bồi đắp, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, lòng tin yêu Đảng và chế độ ta của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước, được thể hiện qua gần 3.300.000 người tham gia Cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm Văn hiến và Anh hùng”, gần 1.000 tác phẩm của trên 100 cơ quan báo chí tham dự Giải báo chí về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, qua sự tham gia của hàng nghìn các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử tham gia các công trình nghiên cứu, các tác phẩm về đề tài kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, qua hàng trăm văn nghệ sỹ, nghệ nhân, thợ thủ công, người lao động bình thường đã dày công sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật, cây cảnh đá cảnh nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ kính dâng Đại lễ, gửi gắm trong đó tình cảm, tâm huyết, tài hoa, trí tuệ của mình …

Thứ ba: Tăng cường một bước quan trọng, có tính chất đột phá về tiềm lực vật chất, tinh thần, tạo động lực để Thủ đô và đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thể hiện rõ nhất qua 102 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng vào dịp Đại lễ, được gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, trong đó Hà Nội có 71 công trình, các Bộ, ban ngành Trung ương 20 công trình và các tỉnh, thành trong cả nước có 11 công trình...

Thứ tư: Các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, mọi người con dân tộc Việt Nam đều hướng về Thủ đô và đất nước thân yêu. 

Thứ năm: Việc tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh và nâng cao vị thế uy tín của Thủ đô và đất nước; đồng thời cho thấy khả năng Thủ đô chúng ta có thể tổ chức đăng cai được những sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế trong thời gian tới.

Tiết kiệm 12 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung

Trả lời báo chí bên lề hội nghị, PGS. TS Trần Trọng Hanh – Đại biểu HĐND TP. Hà Nội cho biết, hiện các khoản chi phí phục vụ Đại lễ 1.000 năm đang được tiến hành quyết toán. Nếu công khai được cho người dân biết trong dịp này là tốt nhất. Tuy nhiên, trước sau người dân cũng sẽ được biết vì vấn đề này cần phải công khai, dân chủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Trong thời gian diễn ra Đại lễ các tỉnh miền Trung bị lụt bão, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tác động đến tinh thần, tư tưởng của nhân dân và không khí lễ hội.

Thành phố Hà Nội đã điều chỉnh một số nội dung chương trình lễ hội và tổ chức đoàn thăm hỏi; tổ chức quyên góp, vận động ủng hộ đồng bào miền Trung với số tiền trên 12 tỷ đồng.

Trong quá trình chuẩn bị pháo hoa phục vụ Đêm hội văn hóa nghệ thuật do sơ xuất của nhân viên kỹ thuật đơn vị trực tiếp bắn pháo hoa đã để xảy ra sự cố kỹ thuật về an toàn lao động gây thiệt hại về người và tài sản, tuy đã được khắc phục và thông tin kịp thời nhưng vẫn tác động đến tâm lý nhân dân.

Sự tham gia đông đảo quá mức dự báo, với số lượng người và phương tiện giao thông về dự Đêm hội văn hóa nghệ thuật tối 10-10, dẫn đến ùn tắc giao thông, mặc dù vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhưng việc tổ chức đưa đón các đại biểu khách mời bị ảnh hưởng.