Thông tin từ Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), trong năm 2012 toàn quốc xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 6.967 người bị nạn. Trong số đó, có 552 vụ gây tai nạn chết người, làm 606 người chết. Số vụ TNLĐ và số nạn nhân được thống kê đều tăng hơn so với năm 2011. Cụ thể, số vụ TNLĐ tăng 881, số nạn nhân tăng 813, số vụ có người chết tăng 48, số người chết tăng 32…
Thiệt hại do TNLĐ gây ra trong năm 2012 là 82,6 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng. Về công tác PCCN trong năm 2012, toàn quốc xảy ra 1.751 vụ cháy tại cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 155 vụ cháy rừng và 29 vụ nổ. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn Lao động, đây mới là các số liệu “bề nổi”. Ông Thắng nói: “Chỉ có 5,1% doanh nghiệp báo cáo số TNLĐ và PCCN, con số này đều rơi vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, con số thống kê này còn chưa toàn diện”.
Về việc gia tăng tai nạn cháy nổ gần các khu dân cư, ông Trần Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an, cho rằng: “Nguyên nhân chính là do ý thức của người đứng đầu chưa đầy đủ. Hiện nay cả nước có hơn 11.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực có khả năng gây cháy nổ”.
Trả lời các phóng viên về những yếu kém trong quản lý vật dụng gây nổ tại nơi làm việc và khu dân cư, gây nên những tai nạn nghiêm trọng, mà mới đây nhất là vụ việc tại TP.HCM làm 10 người thiệt mạng, ông Dũng cho biết: “Hiện Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án. Còn chuyện khởi tố ai, liệu đấy có phải là một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nguy hiểm hay không thì còn phải chờ công an điều tra, kết luận rõ”.
Theo ông Dũng, hiện nay việc chứa chấp, mua bán vật liệu cháy nổ ở nước ta còn diễn ra tràn lan, như: Bom, mìn, gas, xăng dầu... Vì thế thời gian tới tai nạn cháy nổ còn diễn biến rất phức tạp.
Minh Nguyệt