Dân Việt

Hà Nội: Sống bất an cạnh công trình xây dựng số 13 Hàng Buồm

Thành Thái 04/09/2019 07:14 GMT+7
Không chỉ ngang nhiên phá hoại công trình có giá trị bảo tồn, việc thi công tại địa chỉ số 13 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn khiến các căn nhà liền kề bị hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân xung quanh.

Gần đây, báo Dân Việt đã nhận được đơn kêu cứu của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thanh đang sinh sống tại tại địa chỉ số 17 Hàng Buồm (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), tố cáo quá trình cải tạo của công trình số 13 Hàng Buồm gây nguy hiểm cho nhà hàng xóm mà và tồn tại hàng loạt các vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý xây dựng trên địa bàn khu phố cổ. Tình trạng này đã xảy ra suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

img

Việc xây dựng công trình số 13 Hàng Buồm khiến nhà các hộ dân liền kề bị lún nứt. (Công trình số 13 quây tôn)

Theo phản ánh của bà Thanh, sau khi được cấp phép cải tạo công trình, tháng 6/2018, ông Diện và bà Hương đã tiến hành tháo dỡ, di chuyển toàn bộ ngôi nhà số 13 phố Hàng Buồm. Tiếp đó, ông Diện và bà Hương đã tiến hành đào đất nền nhà chuyển đi và thi công số nhà 13 Hàng Buồm.

Quá trình thi công tại nhà 13 Hàng Buồm đã khiến các căn nhà liền kề số 11 và 15, 17 Hàng Buồm bị hư hỏng, đe doạ tới an toán tính mạng của các hộ dân liền kề. Trong đó, nhà số 15, 17 Hàng Buồm có hiện trạng nền và tường nhà bị lún nứt; Riêng nhà số 11 là trụ sở Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm phải đóng cửa, di dời…

img

img

Tình trạng nứt tường nhà bà Nguyễn Thị Thanh số 17 Hàng Buồm ngày càng nghiêm trọng, đang ảnh hưởng tới an toàn các thành viên trong gia đình. 

“Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2019 nhà ở của chúng tôi tại địa chỉ 17 Hàng Buồm tiếp tục xảy ra hiện tượng nứt tường và lan rộng, đe doạ đến sự an toàn của cả gia đình tôi. Gia đình tôi đã báo cáo sự việc đế tổ trưởng dân phố, UBND phường Hàng Buồm, ông Diện và Hương là chủ công trình, nhưng tới nay vẫn không được giải quyết. Trong khi đó, tình trạng ngôi nhà chúng tôi bị nứt tường với quy mô và mức độ ngày càng nghiêm trọng, công trình vẫn rầm rộ thi công”, bà Thanh bức xúc. 

Theo tìm hiểu của PV, công trình số 13 Hàng Buồm thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và được thuê lại bởi ông Nguyễn Bá Diện cùng bà Nguyễn Thị Mai Hương. Đây là công trình có giá trị phải bảo tồn trong QĐ 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP.Hà Nội.

Ngày 2/5/2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy phép cải tạo công trình số 13 Hàng Buồm cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, trong đó ghi rõ nội dung thực hiện gồm: Sửa chữa, cải tạo thay thế sàn gỗ và các cấu kiện hư hỏng trên cơ sở phục dựng nguyên gốc nhà 2 tầng, mặt lợp ngói. Đi kèm với đó là bản vẽ cấp phép cải tạo được UBND quận Hoàn Kiếm cùng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội xác nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo, chủ công trình đã không thực hiện theo giấy phép. Ngày 15/10/2018, Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) đã phối hợp cùng tổ quản lý trật tự xây dựng phường Hàng Buồm tiến hành kiểm tra thực tế và đưa ra kết luận về hàng loạt sai phạm so với giấy phép được cấp của công trình này.

img

Hiện trạng công trình 13 Hàng Buồm, phần được bảo tồn cũng đã bị san phẳng. 

Tháng 4/2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã có vănbản chỉ đạo các đơn vị có liên quan về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý công trình nhà ở, cấp phép và quản lý trật tự xây dựng tại 13 Hàng Buồm. Trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm kiểm điểm các cá nhân có liên quan trong việc không kịp thời chỉ đạo Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường lập biên bản vi phạm hành chính báo cáo UBND quận để đơn vị thi công tiếp tục phá dỡ gây ảnh hưởng đến công trình liền kề. Không tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính ngay khi phát hiện chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng.

UBND phường Hàng Buồm, Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc không kịp thời phát hiện, tham mưu cho UBND quận có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả để xảy ra việc phá dỡ công tình nhà ở có giá trị. Đồng thời đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm của các các nhân không hoàn thành nhiệm vụ trong việc kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm tại 13 Hàng Buồm.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và UBND phường Hàng Buồm giải quyết việc thỏa thuận đền bù thiệt hại cho các công trình liền kề bị ảnh hưởng do quá trình thi công sai phạm của công trình số 13 Hàng Buồm. Chủ đầu tư 13 Hàng Buồm sẽ phải khôi phục lại phần nhà ở có giá trị cần bảo tồn theo đúng giấy phép được cấp, xong trước ngày 30/4/2019.

img

Máy khoan cọc hoạt động... trong công trình. 

img

Xe bồn bê tông ra công trường trong đêm gây ồn ào, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân xung quanh. (ảnh người dân cung cấp) 

Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế của PV Dân Việt tháng 9/2019, công trình số 13 Hàng Buồm vẫn trong hiện trạng bị phá tan hoang và đang có động thái tiến hành khoan cọc móng, máy móc, xe cộ ra vào công trường vào ban đêm gây ồn ào… Đặc biệt, tình trạng nứt nhà theo phản ánh của bà Thanh ngày càng nghiêm trọng, đang trực tiếp đe doạ tới tính mạng các thành viên trong gia đình.

Liên quan đến phản ánh của người dân về công trình 13 Hàng Buồm, trao đổi qua điện thoại, ông Trần Khánh Dương - Phó Chủ tịch phường Hàng Buồm xác nhận, đã nhận được đơn thư của hộ gia đình số 17 Hàng Buồm. Phường đã mời chủ công trình và gia đình người phản ánh lên làm việc, nhưng vẫn chưa thống nhất được hướng xử lý.

Phóng viên có đặt câu hỏi liên quan tới việc thực hiện và pháp lý của công trình số 13 Hàng Buồm nhưng vị Phó Chủ tịch phường Hàng Buồm không trả lời và nêu lý do đang rất bận./.