Có cơm ăn áo mặc, con cái được học hành. Và quan trọng hơn hết là ốm đau được chạy chữa, thuốc men chu đáo... Nguyên tắc muôn đời của ngành y được gói trong câu: “Bệnh nào thuốc nấy”. Thầy thuốc cho bệnh nhân thuốc là căn cứ vào bệnh chứ không phải họ là ai. Nhưng cái nguyên tắc ấy có lẽ chỉ có trong mơ.
Thực tế diễn ra hàng ngày là người nghèo phải uống thuốc rẻ tiền, chăm sóc rẻ tiền và hết tiền thì hết thuốc. Người có chức, có tiền đương nhiên được dành ưu tiên thuốc men, chăm sóc hơn dân nghèo. Người sống vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn khi ốm đau gặp nhiều khó khăn trắc trở hơn vùng thành thị. Đường sá xa xôi, cách núi cách sông, bệnh viện, bác sĩ thưa vắng... Nông dân mà gặp ca cấp cứu thì bối rối trăm bề.
Nông dân mơ ước có những bệnh xá, bệnh viện gần nhà, không “cò vạc” làm tiền người bệnh và có đủ kinh phí để đối xử với bệnh nhân một cách bình đẳng...Bao giờ cho đến tháng Mười? Y tế cũng như giáo dục đòi hỏi một khoản ngân sách to lớn, không mấy quốc gia được thỏa mãn. Với nước ta, giấc mơ của người bệnh nông thôn vẫn còn xa vời. Trên danh nghĩa, hệ thống trạm xá, bệnh viện ở khu vực nông thôn khá đầy đủ. Nhưng người dân vẫn ùn ùn lên tuyến trên đến nghẹt thở đã nói lên thực trạng bất cập. Vì ngân sách eo hẹp đã đành mà còn vô số nguyên nhân khác.
Trường y của ta đào tạo được nhiều y, bác sĩ có bằng hẳn hoi nhưng hiếm bác sĩ giỏi. Bác sĩ chịu về nông thôn làm việc thường trình độ chuyên môn yếu, lại phải hành nghề độc lập nên không đáp ứng được các tình huống bệnh phức tạp. Lối thoát ai cũng thấy là xây dựng một hệ thống chữa bệnh có chất lượng và tiềm lực đồng đều.
“Có bột mới gột nên hồ”, ngân sách y tế cần phân bố cân đối, bảo hiểm y tế cần mở rộng để huy động đóng góp xã hội. Nhưng ý thức và tinh thần trách nhiệm của thầy thuốc, nhất là y, bác sĩ trẻ cần đi trước và có thể đi trước, tạo được nguồn cảm hứng phục vụ lâu dài. Thầy thuốc nông thôn - không phải là một mỹ từ mà còn là lý tưởng của những người có trách nhiệm chăm lo y tế của cộng đồng. Mong rằng lý tưởng ấy cùng với chính sách đãi ngộ thích hợp sẽ là động lực có thể tạo ra một tình hình khả quan hơn cho việc chữa bệnh của hàng triệu nông dân đang đòi hỏi được chăm sóc.
Sông Thao