Hỏi kỹ ra, chị gọi là “máy cắt” như nông dân vùng này vẫn gọi thực ra là chiếc “máy gặt đập liên hợp” chúng tôi vẫn nhìn thấy mà phát thèm hồi còn ngồi bãi xem phim Liên Xô với mơ ước “Liên Xô ngày nay là Việt Nam ngày mai”!
Bây giờ thì con trai chị Ba tôi, một nông dân bình thường đã mua được một chiếc máy gặt đập liên hợp hiệu Nhật Bản! Chị Ba kể: Nó xuống ruộng cắt lúa, đập luôn, phun rạ ra ngoài rồi cũng tự động đóng lúa vô bao. Chủ ruộng chỉ việc nhấc bao lúa lên xe đưa về nhà. Nếu gặp thương lái đến mua thóc tươi (chưa phơi) thì coi như đã xong khâu thu hoạch. Khỏe re!
Chiếc máy “đã” quá nghen! Tôi bảo và hỏi chị Ba làm sao thằng em tôi lại có tiền mua cả một chiếc “gặt đập liên hợp” mà cách đây mấy chục năm chúng tôi dài cổ ước mơ, tưởng rằng lúc nào Việt Nam mình lên được chủ nghĩa cộng sản như Liên Xô mới có! Chị Ba kể: Chiếc máy những 600 triệu cơ đấy, bằng cả cái nhà to. Nó bỏ ra một phần, phần khác anh chị em cho mượn. Kẻ bằng tiền, người bằng vàng. Mượn có nghĩa là không lấy lãi! Chị và nó tính kỹ, phải 4 năm mới thu hồi được vốn! Sắm để kinh doanh, gặt thuê cho thiên hạ vì nhân công ngày càng hiếm càng đắt. Người ta đổ xô ra thành phố tìm việc và đổi đời, không mấy người chịu lang thang làm mướn như trước kia.
Mừng quá đi chứ! Có lẽ chỉ nông dân Nam Bộ mới chịu tiền vay bạc hỏi đánh cược với mọi rủi ro kinh doanh. Cái đầu óc làm ăn lớn và mê đắm máy móc nông nghiệp vốn là truyền thống ở xứ đã từng có một nhà địa chủ sở hữu 118.000ha ruộng lúa và 100.000ha ruộng muối!
Hỏi thêm nữa, mới thấy có chuyện không thể vui. Ấy là con trai chị Ba tôi phải mua lại cái máy cũ của Nhật. “Máy cũ mà còn tốt gấp mấy máy mới!” - chị quả quyết. Chắc là muốn nói những chiếc máy của Trung Quốc hoặc của ta sản xuất, mới mà thua xa cũ của các nước tư bản. Ngành công nghiệp dường như cứ đi chơi và mơ màng hoài, không hề biết đến những thay đổi lớn lao trên đồng ruộng và nhu cầu của nông dân.
Chiếc “máy cắt” thì có gì quá khó, quá rắc rối với trình độ cơ khí ngày nay mà không chịu làm cho tốt !? Nhiều cái người Nhật, nước Nhật làm được nhưng ta không làm được. Nhưng những thứ như chiếc máy cắt thì có thể nói, người Nhật làm được là ta làm được. Nếu không thiết kế được cái riêng biệt thì mua bằng sáng chế của người ta mà làm để khỏi buộc nông dân phải bỏ ngoại tệ ra mua máy cũ giá đắt.
Thưa, đến bao giờ công nghiệp nước ta mới tỉnh ngộ và thôi “chém gió” đây?
Nguyễn Quang Thân