Mấy năm gần đây, một trong những sản phẩm du lịch của TP.HCM mang tính cạnh tranh trong khu vực chính là du lịch y tế.
Mới dừng ở tiềm năng
Bên cạnh một số sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như du lịch đường thủy nội đô, du lịch sinh thái, nông nghiệp… thì du lịch y tế là một trong những điển hình của sản phẩm du lịch mới đầy tiềm năng của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Theo số liệu thống kê, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch tăng dần qua các năm, với doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Năm 2018, đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam. Trong đó, TP.HCM chiếm khoảng 40%. Những con số trên cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc phát triển loại hình du lịch y tế trong tương lai.
Giới thiệu sản phẩm du lịch nha khoa tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM. Ảnh: D.T
Tại hội thảo “Giới thiệu tiềm năng phát triển sản phẩm Du lịch y tế TP.HCM”, ngày 4/9 do Sở Du lịch và Sở Y tế TP.HCM phối hợp tổ chức, nhiều đơn vị tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch y tế cho các đối tác nước ngoài là những người mua (buyers) tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE HCMC 2019.
Đặc biệt, hội thảo giới thiệu những sản phẩm du lịch y tế dành cho du khách như: Giới thiệu các phương pháp và kĩ thuật điều trị trong y học dân tộc cổ truyền áp dụng cho du khách khi kết hợp đi du lịch hiện nay; Ứng dụng y học cổ truyền trong làm đẹp thẩm mỹ (kĩ thuật cấy chỉ trong chăm sóc da và làm đẹp dành cho khách du lịch); tầm soát ung thư phụ khoa và điều trị hiếm muộn dành cho du khách; sàng lọc các bệnh lý về tim mạch và hướng điều trị chuyên sâu dành cho du khách; các gói dịch vụ nha khoa dành cho du khách và phần mềm tra cứu nơi khám bệnh dành cho người dân và du khách.
Đặc biệt, với gói 60-100 triệu đồng, dịch vụ chữa trị hiếm muộn, sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được xem là khá rẻ so với các nước trong khu vực.
Theo đại diện Saigontourist, đối với thị trường Việt Nam, du lịch nghỉ dưỡng chăm sức khoẻ và du lịch y tế vẫn còn hạn chế về cả lựa chọn và chất lượng so với tiềm năng sẵn có. "Do đó, đây là thời điểm rất phù hợp phát triển mô hình Du lịch nghỉ dưỡng – Chăm sóc sức khỏe – Trị liệu. Tuy nhiên, xây dựng được sản phẩm du lịch dạng này phù hợp và khả thi với du khách trong và ngoài nước không phải dễ dàng và cần có nhiều thời gian và giải pháp quyết liệt”, vị này nói.
Cần đạt chuẩn quốc tế
Saigontourist là doanh nghiệp du lịch lữ hành đầu tiên của TP.HCM phối hợp cùng công ty Du Lịch Nha khoa Việt Nam triển khai các gói sản phẩm của du lịch nha khoa cho du khách trong và ngoài nước trong 2 năm qua. Trước mắt, Saigontourist xem Du lịch nha khoa và Du Lịch y học cổ truyền là hai sản phẩm du lịch y tế có tiềm năng và lợi thế của TP.HCM.
Thứ hai, bên cạnh sản phẩm du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe đặc trưng, cần xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe chính như các dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp; các nhóm y tế giải phẫu và không giải phẫu… và sản phẩm du lịch có liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe với các sản phẩm bổ trợ như spa thư giãn, ẩm thực thực dưỡng với thảo dược… nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch y tế và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Thứ ba, cần kết nối các điểm du lịch hiện hữu gần kề để du khách di chuyển dễ dàng cũng như tăng tính hấp dẫn của chương trình tour.
Du lịch nha khoa đang được xác định là mũi nhọn của ngành du lịch TP. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, ở mũi nhọn du lịch nha khoa, các nhà chuyên môn chorằng, dù có ưu thế về chất lượng chuyên môn, bác sĩ khéo tay, giá cả cạnh tranh nhưng tất cả vẫn chưa đủ để nha khoa Việt Nam tiến vào tốp đầu khu vực. Các trung tâm cần quan tâm đến chuẩn quốc tế để tăng tính cạnh tranh.
Cụ thể, theo Sở Du lịch TP.HCM, trung bình mỗi năm, chỉ có gần 100.000 bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam khám chữa răng, tổng doanh thu ước đạt khoảng 3.500 tỷ đồng. Con số này khá khiêm tốn so với trung bình 13 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta mỗi năm, với doanh thu hơn 500.000 tỷ đồng. Nếu so sánh với các “ông lớn” về du lịch nha khoa ở Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia hay Singapore, doanh số này còn quá khiêm tốn.
Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ được biết đến như là sự kết hợp du lịch và các hoạt động thư giãn, tiến trình trị liệu, nhằm nâng cao và hồi phục sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả tâm hồn cho du khách. Theo thống kê của Viện sức khoẻ toàn cầu, du lịch nghỉ dưỡng sức khoẻ đạt tăng trưởng 6,5% năm (2017), gấp 2 lần so với tốc độ tăng của toàn ngành du lịch. Dự báo, nhóm ngành này sẽ tiếp tục gia tăng nhanh hơn với 7,5% vào năm 2022. So với toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vươn lên dẫu đầu về tốc độ tăng trưởng, 33% trong vòng 2 năm gần nhất. Cao hơn, đó là hình thức du lịch chữa bệnh là hình thức đi du lịch kết hợp mục đích khám bệnh, chữa bệnh bằng cả phẫu thuật và không phẫu thuật. |