Dân Việt

Hỗ trợ nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

27/02/2013 09:20 GMT+7
(Dân Việt) - 20 năm phát triển, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành nông nghiệp.

Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quốc Quảng - Phó Giám đốc TTKNQG về hoạt động của trung tâm.

Gần 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, vai trò của công tác khuyến nông trong ngành nông nghiệp đã được khẳng định. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông có chia sẻ gì?

- Ngày 1.3.1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/NĐ- CP về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Với nghị định này, hệ thống khuyến nông nhà nước ở nước ta chính thức thành lập. Sự ra đời của hệ thống khuyến nông nhà nước mang tính tất yếu để đáp ứng nhu cầu của nông dân, của sản xuất nông nghiệp trong nước và hội nhập với nông nghiệp khu vực và thế giới.

img
Ông Phùng Quốc Quảng - Phó Giám đốc TTKNQG

Trong suốt 20 năm qua, TTKNQG - tiền thân là Ban Khuyến nông (thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, nay là Bộ NNPTNT) và Bộ phận Khuyến ngư (thuộc Vụ Nghề cá, Bộ Thủy sản) cùng với hệ thống khuyến nông cả nước, được sự hưởng ứng của hàng chục triệu nông dân đã có những đóng góp to lớn vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nhiệp; xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân trên các vùng, miền. TTKNQG cũng là đầu mối của Bộ NNPTNT trong chương trình hợp tác với các nước thành viên ASEAN về đào tạo - khuyến nông (AWGATE) và đã có trao đổi khoa học với nhiều nước trên thế giới.

Những năm qua, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng gặp rất nhiều khó khăn về dịch bệnh, chất lượng con giống... Tình trạng đó đã khiến bà con nông dân lao đao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng quan trọng nhất là vấn đề công nghệ. Vậy theo ông, khắc phục tình trạng này như thế nào?

- Công nghệ và tiến bộ kỹ thuật rất quan trọng. Nếu thiếu thì khuyến nông không có gì để chuyển giao. Nhưng có công nghệ rồi thì việc chuyển giao như thế nào để có hiệu quả cũng lại là một vấn đề. Thực tế thì các tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân hiện nay rất thiếu. Nguyên nhân là do các nhà khoa học và người nông dân thiếu những điểm chung, hoặc chỉ nghiên cứu những yếu tố kỹ thuật mang tính đơn lẻ. Vậy, cán bộ khuyến nông phải bám sát dân, phải biết cách thuyết phục dân thì mới có thể đưa khoa học vào sản suất được.

img
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân xã Mương Luân
(huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) kỹ thuật chăm sóc bông.

Định hướng phát triển của Trung tâm thời gian tới và trọng tâm là gì, thưa ông?

- Thời gian tới, TTKNQG sẽ bám sát hơn nữa chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tăng cường khuyến nông áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến nông để khắc phục tình trạng đầu tư khuyến nông phân tán, dàn trải.

Về phương thức hỗ trợ khuyến nông sẽ tiến hành điều chỉnh theo hướng phân biệt rõ hơn đối với hai nhóm mục tiêu và đối tượng: Nhóm hộ nghèo, hộ sản xuất thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm hộ sản xuất hàng hóa lớn, chủ trang trại...

Bên cạnh công tác phổ biến, chuyển giao khoa học, công nghệ, hoạt động khuyến nông sẽ chú trọng tăng cường bồi dưỡng kiến thức tổ chức quản lý nông trại, kiến thức kinh doanh, cung cấp thông tin, tăng cường kết nối các đối tác trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, giúp nông dân chủ động tham gia vào thị trường công nghệ, vật tư và nông sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

“Điểm nổi bật của khuyến nông Hà Nội là thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả quỹ khuyến nông. Đến nay, Hà Nội là đơn vị duy nhất trong 63 tỉnh thành phố có quỹ khuyến nông. Trong 10 năm hoạt động (2002- 2012), chúng tôi giải ngân cho 2.079 lượt hộ vay vốn, với tổng số vốn quay vòng là 259,425 tỷ đồng, quyết việc làm cho khoảng gần 6.500 lao động ở nông thôn với thu nhập bình quân 2- 3 triệu đồng/tháng và tạo ra gần 800 tỷ đồng hàng hóa nông sản an toàn.

“Nhiều năm qua, Quảng Nam bị giảm đi 18.000ha đất lúa; mùa vụ cũng giảm từ 3 vụ lúa/năm xuống còn 2 vụ lúa/năm. Thế nhưng, sản lượng lúa mỗi năm của tỉnh không vì vậy mà giảm theo; ngược lại tăng lên 40.000 tấn lúa/năm. Điều kỳ diệu này có là có đóng góp quan trọng của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư. Trung tâm luôn là cơ quan tiên phong vận động nông dân giảm từ làm 3 vụ lúa/năm bấp bênh xuống sản xuất 2 vụ lúa/năm ăn chắc”.

“Thành quả lớn nhất của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm là nâng cao được kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, giúp họ thoát nghèo, tăng thu nhập thêm 20-30%. Đặc biệt, trong tình hình đất canh tác ngày bị thu hẹp, trung tâm đã trình diễn hơn 100 giống lúa và chọn được 10 giống lúa cơ cấu vào giống lúa chủ lực của thành phố, góp phần ổn định lương thực cho thành phố và an ninh lương thực quốc gia.