Không kịp ăn miếng cơm, anh Tấn gọi cho nhóm của mình rồi nhanh chóng ôm túi dụng cụ cứu thương lấy xe máy chạy đến hiện trường. Trong túi cứu thương của anh có 2 thứ không thể thiếu là dụng cụ tiêm và thuốc Naloxone để cứu sốc ma túy.
Đến nơi, một thanh niên ngoài 30 tuổi đang nằm vật trên đất, thở rất chậm, chảy nước dãi, da tái nhợt, gọi không trả lời, xung quanh có dụng cụ tiêm chích, vỏ thuốc... Triệu chứng cho thấy người này đang bị sốc ma túy. Đồng đội của Tấn đã kịp có mặt hỗ trợ.
Anh Tấn tập huấn cứu người sốc ma túy. Ảnh: Hoa Vũ.
"Tiêm thuốc Naloxone nhanh và gọi 115 đi", anh Tấn nói với đồng đội. Anh dùng tay ấn tim ngoài lồng ngực liên tục để hô hấp nhân tạo cho thanh niên sốc ma túy. 15 phút sau, bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh.
"Vừa mới chơi thuốc, tự nhiên tôi thấy mắt mũi tối sầm, hoảng hốt rồi lịm đi. Lúc tỉnh dậy thấy rất đông người đứng xung quanh mình", người thanh niên nói. Nhóm của anh Tấn sau khi sơ cứu thành công đã đưa người này vào bệnh viện cấp cứu tiếp tục.
Đây là người thứ 65 bị sốc ma túy được anh Lê Trung Tấn và nhóm của mình kịp thời sơ cứu, từ năm 2018 đến nay.
Ngôi nhà cấp 4 của anh Tấn nằm cạnh cây xăng Dốc Võng ở huyện Phú Lương, gắn bảng hiệu "Cứu sốc 24/24". Đây là nơi sinh hoạt của thành viên Câu lạc bộ Thành Công chuyên hoạt động hỗ trợ người sử dụng ma túy tại địa phương. Trưởng nhóm chính là anh Tấn, 53 tuổi, một người tự nhận "có quá khứ đầy thăng trầm của một kẻ nghiện".
Anh Tấn bắt đầu nghiện ma túy từ năm 1991 khi đi đào vàng. Ngày ấy, có được nhiều vàng, chàng thanh niên 25 tuổi về xuôi mua sắm xe cộ hoành tráng nhất vùng. Vài năm sau, nuôi hơn 80 quân trên bãi mà không đào được vàng, anh Tấn phải bán hết xe cộ, tài sản rồi quay về nhà với hai bàn tay trắng.
Anh Tấn cùng vợ và con trai. Ảnh: Hoa Vũ.
Anh làm lái xe cho một công ty ở Hà Nội, bị cơ quan phát hiện sử dụng ma túy và đình chỉ công tác. Nhiều lần vào rồi lại ra trung tâm cai nghiện vẫn không cai được ma túy, anh vào Đắk Lắk làm nghề cắt tóc, khi lái máy cày thuê, sửa xe máy, xe đạp, nhận công trình xây dựng. Ở đây anh gặp tình yêu của đời mình.
Sau khi kết hôn, tưởng rằng mái ấm gia đình giúp anh đoạn tuyệt với ma túy, nhưng lại một lần nữa lầm đường lạc lối. Anh phải vào trung tâm cai nghiện 18 tháng khi vợ mang bụng bầu 7 tháng. Chị bụng mang dạ chửa lặn lội vào Nam sinh rồi một mình nuôi con trai nhỏ. Nhiều đêm trong trung tâm cai nghiện, anh Tấn tự trách bản thân, quyết tâm từ bỏ ma túy để được đoàn tụ với vợ con.
Khi con một tuổi, anh về nhà. "Tôi trở về bế con nhưng nó không theo vì tưởng người lạ", anh Tấn kể.
Câu lạc bộ Thành Công gồm 6 người tham gia cứu sốc ma túy. Ảnh: Hoa Vũ.
Năm 2013, anh Tấn bắt đầu uống methadone - thuốc điều trị thay thế cai nghiện ma túy, sức khỏe dần ổn định, anh tu chí làm ăn. Anh hỗ trợ trung tâm y tế huyện trong các hoạt động cộng đồng, cùng mọi người đi nhặt bơm kim tiêm ở các điểm nóng và tiếp cận, tư vấn người nghiện về lợi ích khi dùng methadone.
Năm 2015, ở địa phương anh có rất nhiều người sốc ma túy. Sau khi tham gia tập huấn cứu sốc do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng tổ chức, anh về kết nối những anh em tin cậy, thành lập nhóm cứu sốc gồm 6 thành viên. Vốn nắm hết các địa điểm tập trung người nghiện, Tấn cùng nhóm của mình đến tận nơi, để lại số điện thoại và tờ rơi, gửi cho cả công an xóm, xã, trạm y tế thôn... để khi có nạn nhân sốc thuốc có thể gọi ngay cho anh.
"Lần đầu tiên đi cứu sốc, tôi run lắm. Sờ mạch, nghe nhịp tim chẳng thấy gì, tôi bảo hay là người ta chết rồi. Lúc nạn nhân tỉnh, cả nhóm thở phào, sung sướng", anh Tấn nói. Dần dần nhóm của anh Tấn tích lũy được nhiều kinh nghiệm cứu sốc cho người nghiện, được cộng đồng biết đến nhiều hơn.
Phần lớn thành viên trong câu lạc bộ của anh Tấn đều từng sử dụng ma túy, cũng từng trải qua bao đắng cay để tìm lại một cuộc đời lương thiện.
Anh Phạm Hồng Hải, thành viên câu lạc bộ Thành Công - Phú Lương, cho biết ngày vừa ra trại về, không biết làm gì, bơ vơ nằm ở nhà.
"Tôi gặp được anh Tấn, tham gia hoạt động cộng đồng, giúp người nghiện khác khiến tôi cảm thấy mình sống có ích hơn", anh Hải cho biết.
Mỗi một lần thành công cứu được một người sốc nghiện, nguồn động viên cho nhóm anh Tấn là cái bắt tay của người mẹ già, là giọt nước mắt mừng vui của người vợ khi chồng mình còn sống, là lời hứa tu chí làm lại cuộc đời của những người vừa cận kề cái chết.
Chưa bao giờ các anh nhận đó là những chiến công và cần trả công. "Tôi và gia đình đã từng quá khổ vì ma túy, là động lực để tôi giúp đỡ những người nghiện", anh Tấn nói.
*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại