Dân Việt

Làm sao để xóa bỏ định kiến “BOT là móc túi dân”?

Lan Uyên 06/09/2019 06:58 GMT+7
“Có không ít nhà báo luôn mang sẵn định kiến BOT là móc túi dân, lợi ích nhóm” – lời phát biểu của lãnh đạo một doanh nghiệp trước hàng trăm phóng viên báo chí tham dự hội thảo“Truyền thông về hạ tầng giao thông...” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 4/9 khiến không ít người phải... “suy nghĩ lại”.

Định kiến với BOT, vì sao?

Theo tính toán, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 3 triệu tỷ đồng (chưa tính hạ tầng đường sắt cao tốc, đường thủy, đường sông...). Trong khi đó, nguồn lực cân đối từ ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 chỉ khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tương đương vỏn vẹn 5% nhu cầu.

Chính vì vậy, trong một thời gian dài, việc đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông lâm vào cảnh “dậm chân tại chỗ” do chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách.

img

Nhiều dự án được đầu tư theo hình thức PPP đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  (Ảnh minh họa)

Trước thực tế này, việc đẩy mạnh xã hội hóa, tạo nguồn lực để phát triển hạ tầng quốc gia là một chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết bài toán trên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo “không vì thể chế, cơ chế mà bế tắc phát triển hạ tầng của Việt Nam”, bởi trên thực tế, “không xã hội hóa thì nguồn lực đâu cho phát triển”. Vấn đề cần đặt ra là, việc thực thi chủ trương này phải đảm bảo hài hòa được lợi ích 3 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Thực tế, với sự vào cuộc của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia theo chủ trương xã hội hóa của Chính phủ, hàng chục nghìn km đường cao tốc, các sân bay, nhà ga, bến cảng... đã được xây dựng, góp phần quan trọng trong thành tựu tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhắc đến các dự án BT, BOT, đặc biệt là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, hiện nhiều người đã mang định kiến: BOT là xấu, BOT móc túi, BOT là lợi ích nhóm, là tham nhũng...

Vì sao một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước lại mang hình hài xấu xí, đáng bị lên án đến như vậy?

Trước tiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận, rất nhiều dự án BOT giao thông thời gian qua “có vấn đề”. Nơi thì có dấu hiệu trốn thuế, khai gian để giảm số thu, giảm nộp thuế, kéo dài thời gian thu phí; Nơi thì cố tình đặt trạm thu phí sai vị trí để lạm thu... Đáng nói hơn, có dự án qua thanh kiểm tra còn phát hiện có dấu hiệu sai phạm, tham nhũng, chậm được xử lý… Đó là căn nguyên dẫn đến việc nhắc đến BOT giao thông là hầu như ai mặc định “BOT là xấu”, “BOT là bẩn”… cần phải tẩy chay, lên án.

Đã từng xuất hiện các phong trào kêu gọi phản đối BOT bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt thông qua mạng xã hội, Youtube, Facebook... Các vụ phản đối BOT bằng các hình thức đấu tranh như trả phí bằng tiền lẻ mệnh giá nhỏ khó kiểm đếm  gây căng thẳng với nhân viên trạm thu phí, gây ách tắc giao thông… diễn ra ở rất nhiều trạm thu phí BOT giao thông trên cả nước. Có nơi, người dân còn tự ý “lập trại” giám sát hoạt động trạm BOT bằng cách kiểm đếm thủ công, gây không không ít khó cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

img

Vụ việc người dân tụ tập phản đối việc thu phí tại BOT Cai Lậy từng gây xôn xao dư luận (Ảnh: IT)

Trước hàng loạt bất cập trong thu phí BOT giao thông, việc phản ứng của người dân là điều dễ hiểu. Nhưng việc lợi dụng tâm lý của người dân để đẩy vấn đề lên cao, kích động người dân gây ra những cuộc xô xát tại các trạm thu phí lại là hành vi cần bị lên án. 

Có thể thấy, đằng sau không ít cuộc “đấu tranh” với BOT của người dân xuất hiện bóng dáng của một số đối tượng lợi dụng, kích động, gây rối. Liên quan đến vấn đề này từng có 7 đối tượng tham gia gây rối tại BOT Phả Lại bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý trách nhiệm hình sự. Lợi dụng sự việc đó, một số trang mạng, một số Facebooker, thậm chí vài tờ báo nước ngoài lại được dịp đưa ra những bình luận ác ý, cố tình đánh tráo, lật ngược bản chất vấn đề, vu oan, kích động cộng đồng mạng chống đối, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, cản trở đến giao thông thông suốt cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đừng để chủ trương đúng bị xuyên tạc, bóp méo

Trở lại với câu chuyện tại hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng”, rất nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và cả doanh nghiệp đều cho rằng: không thể trách được sự bức xúc của người dân, sự chỉ trích mạnh mẽ của báo chí và truyền thông xã hội về những tiêu cực khi thực hiện hợp tác công – tư, trong đó có các dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, truyền thông về vấn đề hạ tầng giao thông nói chung, BOT giao thông nói riêng thời gian qua có nhiều định kiến, khiến người dân ngày càng ác cảm, chỉ nhìn thấy mặt xấu mà không nhìn được những ưu điểm của các dự án hạ tầng giao thông BT, BOT.

“Không ít nhà báo luôn mang sẵn định kiến BOT là móc túi dân, lợi ích nhóm. Không ít bài báo rất hào hứng tường thuật việc gây mất an ninh, trật tự ở trạm thu phí, thông tin đậm các cuộc thanh kiểm tra đối với dự án BOT, trong khi tiếng nói của nhà đầu tư thì được đưa rất hạn chế”, lãnh đạo một doanh nghiệp cảm thán.

Tâm tư của vị lãnh đạo doanh nghiệp kia có lẽ khiến nhiều người có mặt tại buổi hội thảo phải suy nghĩ. Báo chí có chức năng định hướng dư luận bằng thông tin. Bởi thế, nếu báo chí lựa chọn thông tin tiêu cực là chủ đạo để đưa lên mặt báo sẽ tạo ra bức tranh tối màu, sẽ khiến độc giả chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực để thêm bất bình, gia tăng phản đối, khiến bất ổn ngày càng bất ổn.

Đương nhiên, để xóa bỏ được định kiến “BOT là tiêu cực”, “BOT móc túi dân”, “BOT là lợi ích nhóm”… thì trước hết, chính các doanh nghiệp phải minh bạch hóa được các thông tin, từ khâu đấu thầu, đầu tư, nguồn vốn, cho đến vấn đề vận hành dự án.

Cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự vào cuộc cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, kịp thời “lấp” những lỗ hổng pháp lý, không để doanh nghiệp có cơ hội lợi dụng “kẽ hở” chính sách để lách luật, làm sai...

Còn báo chí, với vai trò, chức năng đặc biệt của mình, bên cạnh phản ánh kịp thời những sai trái, tiêu cực, cần có thông tin đầy đủ, đa chiều, để dư luận hiểu rõ chủ trương xã hội hóa việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng là đúng đắn; kịp thời đấu tranh phản bác với những thông tin xấu độc, lên án những hành vi gây rối, trái pháp luật của các đối tượng, đặc biệt là những người cố tình núp dưới chiêu bài “tự do dân chủ” để hô hào kích động người dân vi phạm pháp luật, phản đối BOT bất chấp đúng sai.

Nói như Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi “Các cơ quan báo chí cần có cái nhìn khách quan, công bằng khi tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến BOT hay khi thông tin về những sai sót của một dự án, vụ việc ở một nơi, tránh gây hiểu sai tất cả dự án BOT đều không tốt”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Hiện nay rủi ro đối với các dự án BOT rất nhiều nhưng việc chia sẻ rủi ro lại rất ít. Tôi cho rằng điều cần làm đầu tiên là phải thống nhất về mặt nhận thức, nếu không thì chúng ta sẽ thất bại. Sự thống nhất về mặt nhận thức không nằm ở việc chúng ta không làm được một con đường mà chúng ta tạo ra những rào cản, rủi ro. Bên cạnh việc coi các dự án BOT là một sứ mệnh thì điều quan trọng là phải đưa tất cả những gì liên quan tới lợi ích ra ánh sáng. Chúng ta phải công khai trong dự án này thì doanh nghiệp được gì, nhà nước được gì và người dân được gì. Tiếp đến chúng ta cần làm tốt làm tốt công tác tuyên truyền từ trung ương tới địa phương để tránh tình trạng: khi vui thì vỗ tay vào, đến khi sóng cả thì nào thấy ai.