Thành tích cao nhất
Tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại thành phố Kazan (Nga) vừa diễn ra, lần đầu tiên sau 7 lần tham gia kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam giành Huy chương Bạc và 7 chứng chỉ tay nghề. Trước đó, Việt Nam chỉ giành 2 Huy chương Đồng và các chứng chỉ tay nghề.
Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi ở 18 nghề với 19 thí sinh. Các nghề dự thi đều là các nghề Việt Nam có thế mạnh trong đào tạo và thực tế sản xuất, được chứng tỏ qua các kỳ thi tay nghề quốc gia và ASEAN mà Việt Nam tham gia.
Trương Thế Diệu và đoàn thí sinh Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Minh Nguyệt
"Thành công trong kỳ thi tay nghề thế giới của đoàn Việt Nam lần này đến từ nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực, tài năng của thí sinh, còn có sự đồng hành của cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp”. Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng |
Thành tích của đoàn Việt Nam trong kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tốt hơn nhiều so với những lần thi trước. Việt Nam đã giành được một Huy chương Bạc với nghề phay CNC của thí sinh Trương Thế Diệu. 8 thí sinh khác thuộc 7 nghề đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Với thành tích này, Việt Nam đứng thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia kỳ thi. Trong 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, có 20 nước, vùng lãnh thổ chỉ có chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, 14 nước và vùng lãnh thổ không có thành tích gì. Thành tích này của Việt Nam chỉ đứng sau 2 quốc gia trong khu vực là Singapore và Malaysia.
Trương Thế Diệu (22 tuổi) là thí sinh duy nhất của Việt Nam giành huy chương bạc tại kỳ thi tay nghề thế giới với nghề phay CNC. Diệu cho biết, em vốn là học sinh khoa cơ điện tử của Trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội. Học hết năm nhất cao đẳng, em được Công ty Denso Việt Nam tuyển thằng vì có thành tích học tập tốt.
Diệu kể lại, gia đình vốn khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp nên từ nhỏ, em ít được làm quen với máy móc, dụng cụ kim khí hiện đại, nhưng cậu luôn có ước mơ được học nghề, làm chủ tay nghề để có thể chế tạo ra những thiết bị hữu dụng. Chính bởi ước mơ ấy, Diệu từ bỏ con đường vào đại học để đi học nghề. Dù chưa từng tham gia kỳ thi tay nghề nào ở cấp tỉnh, cấp quốc gia hay khu vực, nhưng Trương Thế Diệu lại tỏ ra có khá nhiều kinh nghiệm cũng như sự tự tin khi tham gia kỳ thi tay nghề thế giới.
Trương Thế Diệu nói: “Trước khi tham gia kỳ thi tay nghề thế giới, em đã cùng với các bạn trải qua kỳ tập huấn dài ngày ở Hàn Quốc. Tại đây, em biết rằng trình độ, kỹ năng nghề của các thí sinh Việt Nam không hề thua kém so với các bạn thí sinh quốc tế và cả các thí sinh đến từ các quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc. Vấn đề chỉ là chúng ta thiếu sự tự tin, có sự tự tin, làm chủ mặt kỹ năng thời gian”.
Thành quả từ sự nỗ lực không ngừng
Ông Dũng khẳng định, có thể nói, thành tích trên là minh chứng cho sự thay đổi trong chiến lược đào tạo nghề từ sự thụ động sang sự chủ động kết nối, tạo sự liên kết giữa các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp. Điều đó đã giúp lao động Việt Nam khẳng định được tay nghề của mình trên trường quốc tế.
Theo ông Dũng, thời gian qua, Ban tổ chức thi tay nghề thế giới của Việt Nam đã tranh thủ sự hợp tác quốc tế, mối quan hệ gắn bó để huy động sự tham gia ngày càng lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tài chính và kỹ thuật trong việc huấn luyện và cử thí sinh tham dự thi tay nghề thế giới.
Tại kỳ thi này, Ban tổ chức thi tay nghề quốc gia đã nhận được sự hỗ trợ 100% hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho 12/18 nghề tham dự của các tập đoàn, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. 11 thí sinh của 10 nghề được cử đi nước ngoài huấn luyện tại Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan.
Trong đó có 2 nghề cơ điện tử và thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD được Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tài trợ huấn luyện thí sinh tại Hàn Quốc liên tục trong thời gian một năm. Hai nghề khác là phay CNC và tiện CNC được Công ty TNHH Denso Việt Nam tài trợ tổ chức huấn luyện tại Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra, thí sinh và chuyên gia nghề này còn được công ty đưa sang Nga huấn luyện trên đúng thiết bị, dụng cụ thi tại Nga, giúp thí sinh làm quen thiết bị thi thực tế, cũng như môi trường, khí hậu tại nước chủ nhà.
“Liên kết, tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo trong việc xây dựng kỹ năng nghề là hướng đi đúng đắn của Việt Nam nhằm hướng tới việc nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động Việt Nam” - ông Dũng nói.