Dân Việt

Có công, trời không phụ

12/02/2012 09:27 GMT+7
(Dân Việt) - Khắp xã Cao Sơn, khắp huyện Mường Khương giờ đây mọi người áp dụng kỹ thuật phá đá của tôi để kè cống, làm đường, xây tường, mở ruộng.

Anh Lù Seo Khoải - xã Cao Sơn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai kể:

Đá cứng thế nào chăng nữa chỉ cần chất củi nung đến đỏ rồi đổ nước lạnh vào, dùng búa tạ, xà beng đập vào là vỡ vụn. Hơn hai chục năm qua, nhờ miệt mài phá đá mà giờ đây vợ chồng tôi đã có hàng mẫu ruộng phì nhiêu, mấy sào ao cá, xây được nhà khang trang, nuôi các con phương trưởng...

Sinh ra trong một gia đình rất nghèo, cũng giống như bao đứa trẻ người Nùng ở bản heo hút này, tôi thất học, thuở nhỏ ngày ngày lẽo đẽo theo cha mẹ lên nương học cách trồng ngô, lúa để kiếm miếng ăn. Bản làng địa hình núi dốc, đất canh tác nông nghiệp rất ít, sáng mở mắt ra đã gặp đá, vậy nên từ bao đời cảnh chạy ăn từng bữa cứ bám lấy bà con nơi này như định mệnh.

Không thể bỏ quê mà đi cũng không thể mãi nhìn các con đói ăn, rách mặc, tôi tự nhủ lòng phải tìm cách "sống chung với đá". Thế rồi, trong một chuyến đi nương mùa đông phải đốt lửa sưởi ấm, tôi gặp mảnh đá nung đỏ bị vỡ vụn khi giội nước lạnh vào để dập lửa. Vậy là cách phá đá dùng nhiệt hình thành trong đầu và tôi đã áp dụng ngay sau đó.

Những ngày đầu tiên dùng cách này phá đá, nhiều phen tôi hú vía vì suýt mất mạng. Đó là khi phá tảng đá "tai mèo" lớn để mở ruộng, sau lúc đốt lửa, đổ nước vào tảng đá, tôi không thể đập vỡ đá từ đỉnh xuống dưới chân, đành phải bắc ván kê. Đá nóng và lửa cháy xung quanh, khiến tôi đứng quai búa tạ không vững, làm cho tấm ván bị lật hất nhào người xuống phiến đá lớn sắc nhọn.

Cú ngã không cướp đi tính mạng, nhưng phiến đá sắc chẻ bàn tay trái tôi, đứt gân ngón trỏ, máu chảy đầm đìa vì đưa tay ra che đầu. Sau lần ngã "nhớ đời" đó, mọi người khuyên tôi bỏ nghề để bảo toàn tính mạng, nhưng tôi quyết tâm không bỏ cuộc.

Chẳng thể tính nổi những vết thương trên cơ thể vì khi thì đá lăn giập tím chân, lúc thì mảnh đá bắn sưng cả mắt, nhưng bù lại nhờ cần mẫn phá "rừng đá" trên 300m3, đổ lên mặt đá mấy trăm mét khối đất mà vợ chồng tôi sau đúng 1 năm đã vỡ được thửa ruộng đầu tiên với diện tích 1 sào ngay bên bờ suối.

Thửa ruộng ban đầu ấy như một nguồn cổ vũ, tiếp sức cho tôi gắn bó với công việc phá đá của mình. Người ta đập đá tìm vàng, còn vợ chồng tôi không quản nắng mưa, tìm mọi cách phá đá để tạo cho mình những thửa ruộng, vuông ao đẹp đẽ...

"Người có công, trời không phụ", bằng nghị lực, quyết tâm và sự sáng tạo, cộng với tình yêu thương và sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, đến nay nhờ phá đá mà kinh tế gia đình tôi đã có "bát ăn bát để", lương thực thu về 6 tấn/năm, lợn, gà đầy chuồng. Chính ngôi nhà kiên cố bằng đá mà chúng tôi đang ở giờ đây cũng do bàn tay của cả gia đình đập đá mà dựng thành. Ai đó quá lời từng gọi tôi là "vua phá đá đất Cao Sơn", còn tôi chỉ nhận là một người biết cách làm giàu ở xứ đá khô cằn...