Dân Việt

10 năm xây dựng nông thôn mới: Những vùng quê giàu, đẹp hơn

Trương Hồng - Đoàn Hồng 07/09/2019 12:33 GMT+7
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn, đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở các địa phương trong vùng, thu hút được người dân và cộng đồng ở nhiều nơi hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ngày 7/9, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Bộ NN PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên.

Phát biểu hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, chúng ta có các chương trình hành động, một trong chương trình hành động bao gồm nhất, tổng hợp nhất, đầy đủ nhất đó là chương trình MTQG xây dựng NTM Chính phủ ban hành bằng quyết định 85 năm 2010, đây có thể nói là một chương trình hành động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

img

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị

“Việc triển khai xây dựng NTM, trước tiên là nhận thức của cán bộ, chính quyền các cấp cũng có sự thay đổi căn bản, từ chỉ quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, trường học, thuỷ lợi…) sang dành nhiều thời gian hơn cho phát triển sản xuất, từ thụ động trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách Trung ương sang chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đa dạng hoá các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở đã xác định được lợi thế, tiềm năng của địa phương (tài nguyên biển, đất đai, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số,…), để tập trung khai thác, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Chương trình MTQG xây dựng NTM có các đặc điểm như sau: Thứ nhất Chương trình này triển khai đầu tiên từ giai đoạn 2010 đến 2020, thực hiện trên toàn bộ trên vùng nông thôn Việt Nam bao gồm gần 9 nghìn xã, hơn 600 huyện của 63 tỉnh, thành, một chương trình rất lớn tập trung toàn bộ trên lãnh thổ. Lần đầu tiên Việt Nam chúng ta xây dựng mô hình nông thôn kiểu mới đường nhựa bê tông hóa bằng 19 tiêu chí từ cơ sở vật chất, thiết chế hạ tầng, thiết chế văn hóa, thu nhập kinh tế và các tổ chức an ninh; chương trình yêu cầu nguồn lực rất lớn từ cơ sở hạ tầng đồng bộ, thổi một luồng gió mới vào vùng nông thôn, đây là một chương trình thành công nhất trong chương trình đầu tư kinh tế,…” - ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

img

Xây dựng NTM như thổi một luồng gió mới vào vùng nông thôn (Trong ảnh: Vùng quê ở Quảng Nam thay đổi từng ngày nhờ xây dựng NTM)

Báo cáo cho biết, qua gần 10 năm triển khai, đến nay cả hai vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên có 604/1.424 (42,41%) xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (cả nước có 4.522 xã đã đạt chuẩn, chiếm 50,8%); Về xây dựng NTM kiểu mẫu cả 2 vùng có 3/13 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Như vậy, so với bình quân chung cả nước, cả 2 vùng và riêng từng vùng đều có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn bình quân cả nước, chỉ cao hơn duy nhất vùng miền núi phía Bắc (hiện đang là 26,45% số xã đạt chuẩn). Điều đó cho thấy, vùng DHNTB và TN vẫn đang là vùng trũng về xây dựng NTM của cả nước.

img

img

Các đại biểu tham gia Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM

Qua 10 năm triển khai, nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình từ 2010-2019 của vùng vùng DHNTB và Tây nguyên khoảng 364.585 tỷ đồng (khoảng 17,23% so với cả nước), tuy nhiên tính theo từng giai đoạn thì tỷ lệ tổng nguồn lực của 2 vùng so với cả nước đã giảm từ mức 18,4% giai đoạn I xuống còn 16,4% trong 4 năm của giai đoạn II.

Ngân sách đối ứng của địa phương giai đoạn 2010-2019 là 20.049 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2016-2019 gấp 2,1 lần so với vốn hỗ trợ trực tiếp của ngân sách Trung ương. Thực hiện cơ chế phân cấp nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn xã để thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách xã giai đoạn 2016-2019 đã tăng so với giai đoạn 2011-2015 (khoảng 4%). Tuy nhiên chỉ tập trung ở những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, nhất là kinh tế ven biển (Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam…).

img

Các sản phẩm OCOP tham gia triển lãm tại Hội nghị tổng kết

Nhìn chung, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước các cấp (trung ương và địa phương) bố trí trực tiếp cho xây dựng NTM của 2 vùng đạt khoảng 21 tỷ đồng/xã (trong 9 năm) chỉ bằng 1/2 so với mức  43 tỷ đồng/xã của vùng đồng bằng sông Hồng, nhưng cao hơn đáng kể so với mức 14 tỷ đồng/xã của vùng miền núi phía Bắc.

“Riêng chương trình OCOP sau hơn 1 năm triển khai, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản các địa phương (điển hình là các tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng).

Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa đến 2020 của 02 vùng là 582 sản phẩm, chiếm 15,8% cả nước (cả nước là 3.684 sản phẩm), trong đó: Thực phẩm có 321 sản phẩm; Đồ uống có 63 sản phẩm; Thảo dược có 54 sản phẩm; Vải may mặc có 18 sản phẩm; Lưu niệm nội thất trang trí có 68 sản phẩm; Dịch vụ du lịch, bán hàng có 58 sản phẩm; tổng nguồn lực huy động của 13 tỉnh đã phê duyệt đề án Chương trình OCOP dự kiến đạt 2.491 tỷ đồng (cả nước khoảng 9.398 tỷ đồng).

Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm và gắn sao được 25 sản phẩm OCOP (trong đó có 05 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao)” - báo cáo nêu rõ.