Cần thêm cả trăm lớp/xã
Xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) được coi là địa bàn quan tâm đầu tư cho hệ thống trường mầm non. Xã này hiện có 3 trường mầm non và 10 lớp trông trẻ tư với tổng số 2.100 cháu đang theo học.
Tuy nhiên theo ông Dương Văn Tân – cán bộ văn hoá xã, tổng số trẻ hiện đang sống trong xã phải lên đến 3.000 cháu. Như vậy vẫn có tới 900 trẻ không có cơ hội tới trường.
Hiện sĩ số trong các lớp học ở những trường mầm non này phổ biến từ 35 – 45 cháu/lớp, các lớp ở trường tư thì đông hơn, với 50 trẻ/lớp. Chính vì vậy muốn đảm bảo quy định:
“Trẻ 3 - 4 tuổi đảm bảo 25 cháu/lớp và 2 cô giáo trông trẻ; 4 - 5 tuổi là 30 cháu/lớp. Cứ thêm 10 cháu, phải thêm 1 cô giáo” thì riêng xã Xuân Đỉnh phải có thêm gần 100 lớp với số giáo viên tăng gấp đôi mới… đạt chuẩn.
Theo ông Dương Văn Tân: “Việc này còn khó hơn cả… lên trời vì thực tế không có quỹ đất để xây trường”.
Tương tự, xã Hoằng Đông (huyện Duy Tiên, Hà Nam) có gần 1.000 cháu trong độ tuổi đến nhà trẻ, nhưng trường mầm non của xã (gồm 1 điểm học tập trung và 3 điểm lẻ ở thôn) mới chỉ đáp ứng cho 430 cháu. Số trẻ còn lại, bố mẹ gửi các cơ sở trông tư, hoặc ở nhà với ông bà.
Trong khi đó các điểm trường lẻ ở thôn chủ yếu sử dụng lại cơ sở vật chất như nhà văn hoá, hợp tác xã cũ của thôn, do đó tình trạng quá tải chủ yếu diễn ra ở những điểm trường lẻ này.
Ông Phạm Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã Hoằng Đông cho biết: “Không chỉ xã Hoằng Đông, mà nhiều xã ở Duy Tiên cũng đang đối mặt với những khó khăn trong việc tìm kiếm, kêu gọi nguồn ngân sách hỗ trợ để xây dựng và trang bị cơ sở vật chất cho các trường. Vì vậy, vấn đề thực hiện “chuẩn” về sĩ số là điều rất khó khăn”.
Đặt ra cho… có
TS Đinh Đoàn - quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) cho biết: “Chuẩn sĩ số mầm non này khó mà thực hiện được với điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn như ở nước ta. Tuy nhiên cũng có thể nhìn nhận nó như một cái “đích” để hướng tới trong nhiều năm nữa”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD – ĐT vẫn cho rằng: Mức sĩ số này chưa phải là lý tưởng, còn phải giảm hơn nữa. Bởi lẽ, theo bà Nghĩa: “Giữa số lượng và chất lượng có mối quan hệ, nếu anh giảm về số lượng thì chất lượng sẽ tăng lên, điều kiện chăm sóc trẻ sẽ tốt hơn.
Với mức sĩ số theo quy định này chỉ đảm bảo được mức hoạt động bình thường cho cô và trẻ mà thôi”. Nhưng giảm như thế nào, biện pháp là gì thì câu trả lời phía Bộ GD–ĐT lại chỉ dừng lại ở… quy định. “Bộ chỉ theo quy định chuẩn chung để các nơi tự điều chỉnh cho phù hợp dần chứ không thể căn cứ vào điều kiện của từng nơi để ra quy định được” – bà Nghĩa nói.
Còn nữa
Thiên Hà – Minh Nguyệt