Như Dân Việt thông tin, vào khoảng 18h30 ngày 28/8, tại kho Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Cty Rạng Đông) đã xảy ra cháy lớn. Khoảng 7h sáng ngày 29/8, đám cháy này mới có thể được khống chế.
Ngay sau đó, UBND phường Hạ Đình đã phát thông báo về những biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏe do tác động từ hậu quả của vụ cháy.
Hiện trường vụ cháy Cty Rạng Đông. Ảnh: Danviet.vn
Tuy nhiên chưa đầy 24 giờ sau, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã kiểm điểm nghiêm khắc đối với UBND phường Hạ Đình. Phường phải ra quyết định thu hồi thông báo vì đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở. Sau đó UNND quận Thanh Xuân ra một thông báo khẳng định các chỉ số đều trong ngưỡng an toàn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ TNMT đã chứng minh hóa chất độc hại đối với sức khỏe người dân xung quanh hiện trường đám cháy nhà kho, xưởng sản xuất của công ty Rạng Đông đã bị phát tán.
Bộ TNMT đã khẳng định khoảng 200m từ tường rào nhà máy, hàm lượng thủy ngân trong không khí ở ngưỡng không an toàn như WHO khuyến cáo.
Ngày 6/9, sau nhiều áp lực từ dư luận, Cty Rạng Đông đã có một bức thư xin lỗi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng bức thư này vẫn thể hiện sự chân thành của công ty mà và chưa thấy công ty nhận trách nhiệm đối với sức khỏe của người dân.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hồng Huấn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, người dân trong vùng bị ảnh hưởng từ vụ cháy nếu không được bồi thường hoặc không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện Cty Rạng Đông để đòi quyền lợi, đây là quyền của công dân.
"Tôi sẵn sàng hỗ trợ pháp lý miễn phí nếu người dân muốn khởi kiện Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông" - luật sư Huấn cho hay.
Bức thư xin lỗi của Cty Rạng Đông. Ảnh: IT
Tuy nhiên, theo luật sư Huấn, nếu muốn khởi kiện, người dân sống trong vùng ảnh hưởng phải chứng minh có sự thiệt hại (có thể là thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, tài sản...). Ngoài ra, cũng phải chứng minh được những thiệt hai này có liên quan đến vụ cháy tại Cty Rạng Đông.
Luật sư Huấn phân tích, trong vụ việc này, có thể thấy Cty Rạng Đông đã lựa chọn phương thức không hành động, như: không báo cáo đúng, kịp thời với các cơ quan quản lý nhà nước về việc sử dụng thủy ngân trong sản xuất bóng đèn; không cảnh báo đến người dân xung quanh liên quan đến việc thủy ngân có thể đã phát tán ra môi trường; không hỗ trợ người dân trong việc di dời khỏi nơi bị ảnh hưởng của thủy ngân...
Như trong thông tin mới nhất được Tổng cục Môi trường công bố, Công ty Rạng Đông đã thừa nhận 480 nghìn bóng đèn bị cháy có thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn viên amalgam). Nguyên nhân vụ cháy còn đang tiếp tục được làm rõ nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của Công ty Rạng Đông bởi nguồn nguy hiểm thủy ngân xuất phát từ đơn vị này.
"Sau khi xảy ra cháy, Công ty này không công bố thông tin có hóa chất độc hại, sau đó lại công bố thông tin mơ hồ, không chuẩn xác, không hỗ trợ người dân, điều này là đáng lên án" - luật sư Huấn cho hay.
Điều 602 BLDS 2015 đã quy định Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Chủ thể làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Từ điều luật này, có thể thấy trách nhiệm của Cty Rạng Đông là rõ ràng.
“Từ vụ cháy người dân có quyền yêu cầu Cty Rạng Đông trả lời rõ rằng, công ty đã đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định chưa? Công ty đã thực hiện việc bảo quản, sản xuất, phòng chống sự cố khi xảy ra hậu quả theo quy trình, quy định pháp luật hay chưa? Công ty đã làm gì khi vụ cháy xảy ra để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân xung quanh?
Hơn 1 tuần sau vụ cháy, Công ty mới có thư xin lỗi, tôi thấy nhiều ngôn từ sáo ngữ, nào là: "làm bận tâm", "làm phiền hà", "còn nhiều sơ xuất và thiếu sót"... Đây giống như một bức thư cảm ơn hơn là một bức thư thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp đang gây thiệt hại ra môi trường, cho người dân” – vị luật sư nhấn mạnh.
Chiều 4/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết khối lượng thủy ngân phát tán sau vụ cháy Rạng Đông có thể lên tới 27,2 kg. Các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân và một số kim loại nặng. Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh. Một phần hòa vào nước chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy. Từ các khuyến cáo của WHO, ông Nhân cho biết vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người là trong bán kính 500 m. Các điểm quan trắc không khí phía trước khu vực cháy và trong nhà kho cháy có giá trị thuỷ ngân cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10 đến 30 lần - ngưỡng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. |