"Muôn kiểu” của trường quốc tế
Suốt nhiều thập kỷ sống và làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở nước ngoài, tôi luôn tìm hiểu giáo dục, cố gắng đánh giá khách quan. Trong vụ trường Gateway, qua việc một học sinh lớp 1 tử vong nghi bị “bỏ quên” trên xe đưa đón, chính quyền địa phương mới vào cuộc và lộ ra thông tin, nhiều trường chưa được cấp phép “quốc tế” vẫn phong danh “quốc tế”.
Như vậy còn có rất nhiều trường quốc tế tự phong hoặc chưa qua kiểm định của một tổ chức chất lượng ở nước ngoài. Một trường học trong một thành phố, một tỉnh, chính quyền địa phương phải biết. Vậy tại sao để xảy ra hiện tượng có nhiều trường quốc tế tự phong như hiện nay?
Dựa trên Luật Giáo dục, Việt Nam không có tên “trường quốc tế” mà chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài. Cụm từ “các trường có yếu tố nước ngoài” chỉ là một cách lách trong ngôn từ, nhưng lại quá dài, không tiện dùng.
Thực chất của các trường quốc tế tại Việt Nam, trừ một số ít trường quốc tế có chủ đầu tư là người nước ngoài, còn lại đều là các “trường có yếu tố nước ngoài”, từ các chương trình cốt lõi (các cơ quan giáo dục ở Việt Nam từ trung ương đến địa phương không ở đâu có bộ phận thiết kế và xây dựng chương trình học), phương pháp giảng dạy, đến các bức tranh treo trên tường, dụng cụ học tập… Tất tất đều lấy từ sách của nước ngoài và/hoặc tải trên mạng xuống, chỗ nào cũng có yếu tố nước ngoài.
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi được biết trường Quốc tế Gateway chỉ có học phí 180 triệu đồng/năm đã bị coi là “quá cao”, “không đáng đồng tiền bát gạo”. Qua số liệu người viết có được, trường quốc tế tại TP.HCM có học phí cao nhất là 680 triệu đồng/năm, chưa kể phí xe đưa đón, phí ở nội trú. Nếu gom lại, thì chi phí cho mỗi học sinh tại TP.HCM tại trường quốc tế cao nhất là 850 triệu đồng/năm.
Trong lúc đó lương cao nhất của một giám đốc tại TP.HCM là 800 triệu đồng/năm, không đủ để trả cho một học sinh học trường quốc tế có học phí cao nhất. Còn trường quốc tế tại TP.HCM có học phí thấp nhất cũng tới 320 triệu đồng/năm. Hiện ở Việt Nam cũng có đến hơn 100 trường quốc tế với nhiều mức học phí rất khác nhau.
Từ thực tế “trăm hoa đua nở” của các trường quốc tế cho thấy, việc các cơ quan chức năng cho phép quá nhiều trường phổ thông quốc tế hoạt động tại Việt Nam là một sự khủng hoảng về chính sách giáo dục ở mức độ vĩ mô.
Chính sách của Bộ GDĐT là xây dựng một hệ thống giáo dục có các tiêu chí về chất lượng như nhau cho mọi học sinh. Nhưng Việt Nam lại đang có quá nhiều khác biệt về chất lượng từ các trường công lập tại các tỉnh, thành phố lớn; các trường ở thành phố khác với các tỉnh; các tỉnh khác với các quận, huyện; quận, huyện khác với xã ấp, các vùng miền cũng khác nhau; giữa trường công và tư; giữa trường “nội” và trường quốc tế…
Việc cơ quan chức năng cho phép thành lập quá nhiều trường quốc tế có chất lượng quá cách biệt với trường công như hiện nay, tức là ở chính sách vĩ mô chúng ta đã cho du nhập vào Việt Nam các trường quốc tế có chất lượng khác biệt, đồng nghĩa với việc tạo ra các giai cấp khác biệt trong xã hội.
Đó chính là mầm mống của sự bất ổn xã hội. Vì thế, việc hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng các trường có chất lượng là nhiệm vụ cần phải có của chính quyền. Nó giúp đào tạo các lớp người có nhân cách và năng lực phục vụ đất nước tốt nhất. Trách nhiệm chính của các cơ sở quản lý giáo dục là giúp cho các trường học mỗi ngày có chất lượng cao hơn.
Dư luận cần khách quan, tỉnh táo
Bàn riêng về cái chết của một học sinh lớp 1 tại trường Gateway thời gian qua, tôi cũng nhận thấy, từ tai nạn không một ai mong muốn dẫn đến những trận "cuồng phong" dư luận, từ báo giới đến mạng xã hội, đâu đâu cũng gióng lên những gào thét quá mức cần thiết.
Sự phản ứng không còn bình tĩnh, khách quan nữa mà thành “cơn bão” tàn phá, đả kích không lành mạnh. Người ta muốn khai tử một trường học chứ không phải muốn phê phán để đưa giáo dục Việt Nam đi lên.
Một vài tháng trước đây, có nhiều người đặt vấn đề làm sao để đến năm 2030, giáo dục Việt Nam có thể sản xuất ra những học sinh tốt là những con người không gian dối. Nhưng nay, những lời buộc tội quá ghê gớm về vụ Gateway khiến cho bất cứ ai có ý kiến tích cực cũng không dám lên tiếng.
Dù núp bóng “đấu tranh” nhưng thực chất dư luận chúng ta đang mang trái tim thiếu bao dung để nói về những điều chúng ta chưa hiểu hết. Dư luận thiếu khách quan và tỉnh táo đủ để cân nhắc các lợi hại để có thể đưa ra các giải pháp mang tính tích cực, nhân văn.
Mức học phí 180 triệu của trường tư Gateway cũng chỉ cao hơn học phí các trường công lập tại Hà Nội mà thôi. Chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm xem tại các trường công lập Hà Nội, ngoài học phí ra, các gia đình học sinh có còn đóng thêm khoản phí nào nữa không? Khi nói đến trường quốc tế Gateway, chúng ta cũng cần xem trường này có gì khác mà đưa ra học phí như vậy, có đáng đồng tiền bát gạo không? So sánh về cơ sở vật chất, trường Gateway hơn hẳn các trường công lập tại Úc, Mỹ, New Zealand, Canada.
Theo tôi biết, trường Gateway còn có hồ bơi, sân chơi, đồ chơi cho trẻ em, thư viện. Phương pháp dạy và học tại Gateway cũng khác xa với các phương pháp học tập truyền thống. Chỉ tính đến số lượng giáo viên và ban giám hiệu người nước ngoài gần 40 người thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Trường Gateway cũng đã đạt được 2 trong 8 tiêu chí của trường quốc tế của Hội đồng các trường phổ thông quốc tế (CIS). Cụ thể là tiêu chí giảng dạy bằng tiếng Anh và được đánh giá học tập bởi các giáo viên nước ngoài chuyên về giám sát chất lượng. (Xin lưu ý, theo Hội đồng trên, chỉ có các trường giảng dạy tiếng Anh và tiếng Pháp mới được liệt kê là trường quốc tế).
Trong khi đó, dư luận hiện nay chỉ nói nhiều về những cái sai lầm tồi tệ của Gateway, tuyệt đối chưa nghe ai nhắc đến những điểm sáng của trường này. Và từ đó, dư luận xấu như trận cuồng phong, thổi tất cả vật cản trên đường, cuốn ra biển cả mà không hề phân biệt tốt - xấu.
Để một cháu lớp 1 chết trong xe là một tai nạn trầm trọng. Dư luận lên án gắt gao về sự vô cảm của nhà trường trong việc trường không dự buổi họp báo do chính quyền tổ chức, không cho phụ huynh đặt vòng hoa trước trường… Tôi rất buồn và thực sự lên án nhà trường nếu đó là sự thực.
Tai nạn chết người trong các trường tại nhiều nước không phải là chuyện hiếm có. Tuy nhiên lối hành xử mỗi nước theo một cách thức riêng, văn hóa riêng. Không thể lúc nào nhà trường cũng phải đóng cửa một khi có tai nạn trầm trọng. Một trường mẫu giáo ở nước ngoài thường không có nhiều học sinh như ở Việt Nam. Nếu một trường có ít học sinh thì có thể đóng cửa trường và chuyển qua trường gần nhất vì các trường công lập hay tư thục đều có bảo hiểm để học sinh không bị thiệt thòi.
Còn ở Việt Nam chưa có quỹ bảo hiểm đó. Tại Việt Nam đóng cửa một trường học ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của hàng trăm hàng ngàn học sinh và năm ba trăm gia đình giáo viên, nhân viên. Trường hợp của Gateway vừa khắc phục hậu quả vừa tiếp tục mở cửa trường rất là nhân văn, là phục vụ đúng với chức năng của một xã hội tiến bộ, hướng về tương lai.
Nói như thế không có nghĩa là trường Gateway không có trách nhiệm. Các cơn bão phẫn nộ của dư luận vừa qua là cái giá cộng đồng trường Gateway phải trả cho sự thiếu thực trong cung cấp thông tin. Lịch sử của loài người cho thấy bất cứ ở đâu, tổ chức nào mà sống với sự thiếu trung thực, say sưa với danh nghĩa tự phong đều phải trả với một cái giá đắt.
(*) Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả.