Dân Việt

5 năm con tàu 67 (bài 5): Bi kịch của những ngư dân tiêu biểu: Nợ

Đình Thiên 13/09/2019 06:30 GMT+7
Từ những ngư dân thành đạt với khối tài sản cả chục tỷ đồng, là chỗ dựa cho hàng trăm lao động, nay 2 ngư dân nổi tiếng nhất Đà Nẵng đã trở thành... con nợ, phải rời bỏ quê hương chỉ vì "dính" vào tàu vỏ thép (tàu 67). Bi kịch đến từ khi họ dốc tiền để đóng những con tàu cả 20 tỷ đồng...

Những câu chuyện bi hài này xảy ra với trường hợp của ngư dân Trần Văn Mười, Lê Văn Sang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) là những ngư dân nổi tiếng của TP.Đà Nẵng với nhiều thành tích đóng góp cho xã hội đã được vinh danh. Họ từ những ngư dân thành đạt với tài sản hàng chục tỷ đồng mỗi người, là chỗ dựa cho hàng trăm lao động nay trở thành con nợ, thậm chí phải rời bỏ quê hương khi con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của họ hoạt động không hiệu quả....

"Chiến binh" thất bại vì... tàu 67

Cuối tháng 8, chúng tôi tìm đến nhà của ngư dân Trần Văn Mười ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Anh Mười nhớ như in cái ngày anh cho hạ thủy con tàu vỏ thép ĐNa 90777 đóng theo Nghị định 67 tại Âu thuyền Thọ Quang vào năm 2017. Đó là con tàu gần như lớn nhất Đà Nẵng với công suất lên tới 1.000CV, chiều dài 30,8m, rộng 7,5m, cao hơn 4m và tải trọng có thể đạt đến 300 tấn.

Có được con tàu “hoành tráng” đó,  anh Mười “lạnh người” nhớ lại những khó khăn ban đầu: “Để đóng được tàu vỏ thép này, tôi phải vay gần 20 tỷ đồng, vốn đối ứng thêm gần 5 tỷ đồng nữa - một con số khủng khiếp đối với ngư dân. Đóng được con tàu này, lúc đó tôi xác định mỗi năm phải trả cả gốc lẫn lãi gần 2 tỷ đồng. Nếu như tàu gỗ thì chỉ cần khoảng 7 tỷ đồng là thừa sức đóng, nhưng riêng tàu sắt đã mất gần 6 tỷ đồng để lắp 1 máy chính, 3 máy phát điện và còn cần rất nhiều trang thiết bị tương ứng khác”. 

img

Nghị định 67 với hy vọng hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam. Ảnh:  Đình Thiên

“Tàu sắt nên chi phí dầu giảm được 30%, nhưng mỗi chuyến đi phải mang theo 100 - 120 phuy dầu (khoảng 25 tấn), 2 tấn gạo, 3 tấn thịt và rau củ, 20 bình gas… để phục vụ dài ngày cho khoảng 40 thuyền viên. Chi phí rất lớn nhưng thời điểm đó tôi tin tôi sẽ trả nợ đúng hạn cho ngân hàng và bảo đảm thu nhập tốt cho thuyền viên. Nếu mọi việc trôi chảy như tính toán, tôi còn muốn đóng thêm con tàu to hơn nữa”, anh Mười nói.

Tuy nhiên, mọi việc không như dự tính của anh Mười, con tàu ĐNa 90777 đang phải nằm bờ gần 4 tháng nay tại cảng Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Anh Mười tỏ rõ sự buồn bã khi cho biết, nguyên nhân con tàu phải nằm bờ mấy tháng nay là vì hoạt động khai thác hải sản của tàu vỏ thép không hiệu quả.

“Những chuyến đầu tiên tàu hoạt động hiệu quả, nên tôi trả nợ ngân hàng đúng hẹn. Tuy nhiên sau đó giá hải sản xuống dốc không phanh cộng với việc đánh bắt khó khăn nên đi chuyến nào lỗ chuyến ấy. Đầu năm 2019, tôi đầu tư thêm ngư lưới cụ để chuyển sang nghề khai thác chụp mực nhưng đi được 4 chuyến biển đầu tiên không hiệu quả. Trước khi tàu nằm bờ tàu đi được 2 chuyến với năng suất khá tốt nhưng về bờ lại không bán được do đơn vị thu mua ép giá và không ai thu mua”, anh Mười than thở.

Rời bỏ quê hương với ước muốn trả hết nợ để quay lại với... biển

Câu chuyện của anh Trần Văn Mười có lẽ còn may mắn hơn anh Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), khi  Lê Văn Sang đang phải rời Đà Nẵng để tìm kế làm ăn nơi đất khách quê người khi dự án vươn khơi với Nghị định 67 đổ vỡ.

Sau khi Nghị định 67 ra đời, Sang là một trong những cá nhân đầu tiên tiếp cận chính sách của Nghị định 67 để làm thủ tục vay vốn đóng tàu vỏ thép. Với bề dày kinh nghiệm hơn 60 năm theo nghề biển của ông nội và người cha truyền lại, cộng với nền tảng hơn 10 con tàu đánh bắt và dịch vụ hậu cần của gia đình, Sang tự tin vay số vốn gần 20 tỷ đồng để đóng mới con tàu vỏ thép ĐNa 90678 và hạ thủy vào năm 2017.

img

Ngư dân Trần Văn Mười đang khốn đốn vì tàu đóng theo Nghị định 67 đắp chiếu nằm bờ 4 tháng nay. Ảnh: Đình Thiên

“Thời điểm Nghị định 67 mới ban hành, tôi nhận thấy đây là một chính sách thiết thực để phát triển những con tàu hiện đại nên tôi quyết định vay vốn đóng tàu vỏ thép kết hợp cùng đội tàu đang có của tôi và gia đình sẽ trở thành mô hình khép kín từ khai thác đến hậu cần trên biển cùng những chủ tàu khác. Tôi đã vay ngân hàng số vốn gần 20 tỷ và vốn đối ứng gần 2 tỷ để đóng con tàu Đa 90678”, Sang nói.

Từ lúc hạ thủy cho đến đầu năm 2018, tàu vỏ thép của anh Sang làm hiệu quả và trả được 1,3 tỷ đồng cho ngân hàng trong năm 2017 và thêm 100 triệu đồng cho đến khi phải ngừng hoạt động.

“Tàu ĐNa 90678 ngừng hoạt động vì lý do cá nhân của tôi. Sự việc bắt đầu khi sự cố Formosa diễn ra, giá hải sản hạ một cách chóng mặt mỗi khiến ngày tôi và gia đình lỗ hàng trăm triệu đồng. Trong khi giá hải sản giảm mạnh, các tàu làm ăn thua lỗ nhưng tôi vẫn trả lương đầy đủ cho hàng trăm lao động và tiếp tục thu mua để giữ bạn hàng. Tôi tìm đủ mọi cách để giữ việc kinh doanh bằng cách đi vay người thân bạn bè số tiền hàng tỷ đồng và cầm cố cả nhà riêng cho ngân hàng với hy vọng giá hải sản sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên mọi việc không như tôi mong muốn khi hết năm 2016 rồi sang năm 2017 giá hải sản vẫn chỉ bằng phân nửa so với những năm trước đó khiến tôi phải dừng hoạt động cả tàu vỏ thép cùng một tàu vỏ gỗ khác”, Sang buồn bã cho biết.

img

 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017, Lê Văn Sang đang phải rời Đà Nẵng để kiếm sinh kế mới với ý muốn trả nợ ngân hàng để quay về với nghề biển. Ảnh: Đình Thiên

Kể câu chuyện của mình khi Sang đang ở Quảng Ngãi để theo đuổi sinh kế mới với mong muốn kiếm tiền để trả nợ ngân hàng và quay về nghề dịch vụ hậu cẩn trên biển.

“Tàu vỏ thép dừng hoạt động, ngân hàng liên tiếp truy hồi nợ khiến cuộc sống của tôi đảo lộn tất cả. Gia đình mất niềm tin vì trước đó cha đã khuyên tôi không làm tàu vỏ thép nữa nhưng tôi vẫn quyết làm vì nghĩ thế này “ không thay đổi tại lúc này thì bao giờ, cha giận không nhìn mặt cũng làm. Quá rồi bời, có thời gian tôi phải rời Đà Nẵng, tạm xa nghề dịch vụ hậu cần để vào Quảng Ngãi tìm công việc mới. Tuy nhiên, lúc này tôi chỉ muốn ngân hàng và UBND TP.Đà Nẵng cho tôi thương lượng, không khởi kiện và thu hồi tàu để tôi đưa tàu ĐNa 90678 quay trở lại hoạt động”, Sang tâm tư.

Tiếc cho những chiến binh 

Nói về trường hợp anh Trần Văn Mười, ông Nguyễn Kim Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cho hay, anh Mười là ngư dân thiện chiến trong giới ngư dân Đà Nẵng. Đến đầu năm 2016 anh Mười đã có 3 tới tàu công suất lớn trị giá gần 30 tỷ đồng thường xuyên bám biển Hoàng Sa. Ngoài việc làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Mười còn giúp đỡ rất nhiều gia đình ngư dân khác vượt qua khó khăn để tiếp tục bám biển.

“Anh Mười tuổi chưa quá lớn nhưng nhờ nhanh nhạy trong làm ăn nên đã tích góp cho bản thân số vốn lên đến nhiều tỷ đồng. Đi nghề biển là theo nguyện vọng của người cha nhưng tư duy anh Mười luôn nghĩ tới đời sống của ngư dân nên anh Mười luôn sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện cho hàng chục hội viên nông dân khó khăn.Việc anh Mười gặp khó khăn với tàu vỏ thép tôi nghĩ anh Mười sẽ vượt qua được nếu ngân hàng có chính sách phù hợp để hỗ trợ”, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.Đà Nẵng tâm đắc.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014, tàu ĐNa 90657 của anh Mười đã cùng các tàu chấp pháp Việt Nam thực hiện tuyên truyền, ngăn chặn tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Hoàng Sa.

img

Tàu vỏ thép ĐNa 90678 của ngư dân Lê Văn Sang đóng theo Nghị định 67 neo đậu ở Âu thuyền Thọ Quang hơn 1 năm nay. Ảnh: Đình Thiên

Nhờ vào những thành tích trên nên năm 2013, 2015 anh Mười được nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng năm 2013 và năm 2016 nhân dịp 20 năm TP.Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, anh Mười vinh dự được chọn vào danh sách 29 ứng viên cho Danh hiệu “20 công dân Đà Nẵng tiêu biểu”.

Còn về trường hợp của ngư dân Lê Văn Sang, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cho rằng,  anh Sang là một ngư dân trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm. Những con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đã giúp ngư dân tiết kiệm được nhiên liệu do không phải đưa phương tiện vào bờ để tiếp nhiên liệu vừa tăng số ngày bám biển trong mỗi chuyến ra khơi. Ngoài ra, những con tàu đó còn thu mua sản lượng hải sản lớn, có chất lượng cao, giúp nhiều người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. 

Với những đóng góp đó, ông Tám cho biết, năm 2014, anh Lê Văn Sang được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng danh hiệu Top 10 Thương hiệu chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam năm 2013 và năm 2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trao cho Sang danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

“Hiện nay, ngư dân đánh bắt trên các vùng biển của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn nhất là vùng biển Hoàng Sa. Chính phủ cần có chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa để động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển khai thác hải sản, kết hợp với tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa Việt Nam. Về trường hợp của anh Lê Văn Sang tôi thấy rất tiếc khi một ngư dân xuất sắc của Đà Nẵng phải bỏ biển 2 năm nay", ông Nguyễn Đỗ Tám cho hay.

Đón đọc bài 6 trên Báo điện tử Dân Việt lúc 6 giờ 30 ngày 13/9/2019.