Tôi là cô gái được nhiều người nhận xét có nhan sắc, nghề nghiệp ổn định. Anh là công chức nhà nước, sinh ra trong gia đình bố mẹ là cán bộ về hưu, dưới anh còn 2 em gái cũng đã lập gia đình. Nhà anh không giàu, nhưng cũng không quá nghèo để lấy đó biện minh cho những hành động sau này đối với tôi.
Cụ thể anh là người rất tính toán. Thời gian yêu nhau, anh rất ít khi mua quà tặng tôi. Những lần hẹn hò, anh đều dẫn vào những quán bình dân, lúc gọi đồ ăn cũng nâng lên đặt xuống. Dù không thoải mái nhưng nghĩ đàn ông chặt chẽ sẽ rất tốt cho cuộc sống vợ chồng sau này nên tôi không suy nghĩ nhiều.
Hình minh họa
Không chỉ anh, gia đình anh cũng có tính cách như vậy, đặc biệt là mẹ anh. Một lần, tôi đến nhà chơi, bà mệt nên nhờ tôi đi chợ làm cơm cho khách là họ hàng đến chơi. Số tiền đi chợ không đáng là bao nhưng bà không có ý gửi lại tôi.
Những lần sau đó, lấy lý do kẹt tiền, bà mượn tôi lúc thì 5 triệu, lúc thì 3 triệu đồng. Mỗi lần bà đều trả chậm so với ngày hẹn, thậm chí có khoản nay vẫn chưa thanh toán lại cho tôi.
Bà cũng thường đặt hàng online đến địa chỉ của tôi nhờ tôi lấy hộ với lý do bà ít khi ở nhà để nhận hàng. Những lần như thế, tôi đều phải thanh toán tiền giúp bà.
Yêu nhau được nửa năm, cha mẹ giục giã nên chúng tôi cũng kết hôn. Lúc này mọi chuyện càng trở nên tệ hơn.
Nhà trai căn ke từng đồng trong việc làm lễ ăn hỏi, lễ cưới. Các khoản giường, tủ, chăn ga gối đệm… cho phòng tân hôn, mẹ chồng tôi đều mua trả góp đứng tên chồng tôi. Các tráp ăn hỏi được đặt rất sơ sài.
Ngày cưới, bà còn mặc cả chỉ một xe con đến đón dâu, không thuê xe khách đi cùng để đỡ tốn kém.
Đám cưới diễn ra trong sự thất vọng của gia đình tôi vì mọi thứ đều qua quýt khiến tôi chảy nước mắt vì tủi thân, uất ức.
Tiệc cưới chưa tàn, mẹ chồng đã đi kè kè sau tôi để nhắc nhở phong bì nào của bạn con trai bà thì phải để bên nhà nội, không được để phần nhà ngoại. Bà nói, bà mượn tiền để làm đám cưới nên có nhiều khoản phải trả.
Trong khi tôi biết, chi phí làm đám cưới phía bên nhà trai, tất cả đều do chồng tôi chi, bà không phải bỏ ra một đồng nào.
Chồng tôi cũng không kém cạnh mẹ, có vài người bạn không để phong bì trong thùng đựng mà đưa tận tay chú rể, anh đem giấu ngay trong túi áo, không cho tôi biết.
Tôi nhìn thấy tất cả nhưng im lặng để ngày vui được diễn ra trọn vẹn, bố mẹ tôi đỡ mất mặt thêm với họ hàng.
Đêm tân hôn như đêm ác mộng với tôi. Mẹ chồng, em chồng và chồng đóng cửa buồng, sau đó đếm, chia phong bì.
Sau khi kiểm phong bì, gia đình chồng cũng không thông báo cho tôi biết chỉ nói bâng quơ, mẹ chồng phải cầm số tiền trên thanh toán cho các khoản nợ đám cưới.
Đáng nói hơn, lúc đón dâu, nhà trai cho vợ chồng chúng tôi mỗi người 1 cái nhẫn và cô dâu 1 chiếc dây chuyền 3 chỉ vàng (tổng cộng 5 chỉ vàng). Bố mẹ tôi cho con gái và con rể 2 cây vàng (20 chỉ). Mẹ chồng quay sang tôi tỉ tê: ‘Vàng đang được giá, các con nên bán đi. Sau đó, làm sổ tiết kiệm. Các con bận rộn thì mai mẹ ra ngân hàng làm cho’.
Tôi biết, nếu làm sổ tiết kiệm, tôi nào được đứng tên, tất cả sẽ mang tên mẹ chồng nên tôi từ chối gợi ý đấy.
Nghe tôi nói vậy, mặt bà biến sắc. Bà nói tôi vừa về nhà chồng đã tỏ thói ghê gớm, tính toán. Chồng và em chồng tôi thấy bà to tiếng nên chạy vào bênh mẹ.
Bao chuyện uất ức tôi nói hết ra. Chồng chưa nghe hết đã tát vào mặt tôi. Tôi nhìn anh không tin nổi chuyện đang xảy ra. Chưa cưới được tròn ngày, vì chuyện cỏn con anh đã đánh tôi trước mặt bao người.
Ngay hôm đó, tôi thu dọn quần áo, gọi taxi về thẳng nhà mẹ đẻ. Bố mẹ tôi khuyên, nguôi giận, con nên sang xin lỗi nhà người ta, dù sao cũng đã là vợ chồng, một hai đồng bạc đâu ý nghĩa gì.
Nhưng quá ấm ức, tôi không muốn gặp lại những con người đó. Xin các độc giả cho tôi lời khuyên.