Như Dân Việt thông tin, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh về tội ra quyết định trái pháp luật.
Theo đó, khi đang đương chức, ông Vĩnh đã có chỉ đạo trong quá trình điều tra vụ án buôn lậu gỗ trắc. Việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, ông Vĩnh bị tuyên phạt 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu.
Tội chồng tội, cựu tướng Phan Văn Vĩnh phải đối mặt với hình phạt như thế nào?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Nếu việc ra quyết định trái pháp luật đối với việc bán lô gỗ lậu mà gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên ông Vĩnh có thể phải đối mặt với mức án lên đến 12 năm tù”.
Bị án Phan Văn Vĩnh.
Luật sư Cường phân tích: Đối với vật chứng trong vụ án hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) đã có quy định rất rõ ràng cụ thể. Đây là một nguồn của chứng cứ, căn cứ để chứng minh tội phạm, là cơ sở để xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, xác định hậu quả, làm cơ sở để buộc tội người phạm tội. Việc thu giữ vật chứng, bảo quản vật chứng, xử lý vật chứng phải tuân thủ các quy định của pháp luật”.
Theo đó, BLTTHS năm 2015 quy định: Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự được quy định cụ thể tại Điều 106 BLTTHS.
Cụ thể, việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
Vật chứng được xử lý như sau:
Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 106 BLTTHS có quyền:
Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
-Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
“Như vậy, theo quy định tại điểm C, khoản 3 Điều 106 BLTTHS: Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy”.
Trong vụ án buôn lậu nêu trên, gỗ trắc không phải là vật “mau hỏng, khó bảo quản” nên không thể căn cứ vào quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 106 BLTTHS để cho bán đấu giá.
Việc ông Vĩnh ký quyết định cho bán đấu giá như trên đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức. Bởi vậy, hành vi của ông Phan Văn Vĩnh là có dấu hiệu sai phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp nên cơ quan điều tra viện kiểm sát tối cao đã căn cứ vào đó để khởi tố bị can đối với ông này - – luật sư cho biết.
Theo luật sư, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc ký văn bản này có yếu tố tư lợi hay không, có ai được hưởng lợi cá nhân trong vụ việc này hay không để tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định pháp luật, nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm khác sẽ tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với tội ra quyết định trái pháp luật, mức hình phạt cao nhất theo quy định tại Điều 371 BLHS là đến 12 năm tù. Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thiệt hại do việc “bán vội” lô gỗ trắc trên là bao nhiêu so với giá thị trường? Có ai được hưởng lợi hay không? Nếu được hưởng lợi sẽ khởi tố thêm tội danh tội phạm về chức vụ tương ứng với hành vi vi phạm. Mức chênh lệch giá cũng là cơ sở để xác định thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, nếu thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì ông Vĩnh có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất theo quy định tại khoản 3, Điều 371 BLHS là đến 12 năm tù.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp bị kết tội ra quyết định trái pháp luật thì tòa án sẽ căn cứ vào điều 371 BLHS để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với ông Vĩnh đồng thời tổng hợp với hình phạt theo bản án trước đây mà ông Vĩnh đang chấp hành (9 năm) theo nguyên tắc hình phạt chung sẽ là tổng số hình phạt của 2 tội danh nhưng không quá 30 năm tù.
Điều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương có thể từ 31% đến 60%; đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Dẫn đến người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |