Bạo lực leo thang
Ngày 7/9, dư luận rùng mình kinh hãi trước vụ việc một người bác cầm dao chém đứt lìa tay đứa cháu trai mới 10 tuổi ở Sơn Động (Bắc Giang). Theo đó, sáng 7/9, cháu H.V.V (10 tuổi, trú thôn Đá Cối, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, Bắc Giang) đang nằm xem điện thoại trên giường tại nhà thì bất ngờ bị bác họ Hoàng Văn Lưu (39 tuổi, cùng trú thôn Đá Cối) dùng dao tấn công. Bố cháu V nghe thấy chạy lên nhà thì bị Lưu rượt đuổi, cũng may bố cháu V cướp lại được dao của Lưu nếu không cũng bị anh này chém chết.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng (phải) Phó giám đốc Công an Hà Nội chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân trong vụ thảm sát 4 người chết tại Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: V.O
Theo lãnh đạo địa phương, trước khi sự việc xảy ra, ông Lưu ít nhất 2 lần cầm dao đi chém hàng xóm nên mọi người vô cùng lo sợ. Ông Lưu bị đồn là có dấu hiệu bất thường về tâm lý nhưng không có giấy tờ chứng minh. Đây là một trong những vụ án nghiêm trọng mà kẻ gây án và nạn nhân lại chính là người thân trong gia đình diễn ra từ đầu tháng 8 đến nay.
Ngay từ ngày 1/9 đã xảy ra vụ thảm sát tại trú tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội), khi người anh đã chém chết 4 người và trọng thương 1 người vốn là em, là cháu mình vì mâu thuẫn tranh chấp đất đai.
Ngay sau đó (ngày 2/9), một đối tượng (27 tuổi, ngụ xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) đốt chết mẹ mình trong cơn ngáo đá. Cùng ngày một người chồng (35 tuổi, trú xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đổ xăng đốt vợ là chị Y Chơ Rung Tăng (34 tuổi) đang mang thai gần 7 tháng vì nghi vợ ngoại tình (chồng tử vong còn người vợ bị thương nặng). Cũng tối 2/9, tại thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã xảy ra một vụ chồng giết vợ rồi tự sát do ghen tuông. Người vợ tử vong còn người chồng đã được cứu qua cơn nguy kịch.
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS cho biết, BLGĐ không phải là vấn đề gì mới, nó xảy ra ở mọi quốc gia không riêng gì Việt Nam. Cá nhân bà cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Hiện nay các vụ việc bạo lực được truyền thông, mạng xã hội nói khá nhiều nên chúng ta có cảm giác nó đang tăng và diễn biến ngày càng nghiêm trọng. “Chưa có một nghiên cứu chính thức nào về vấn đề này để kết luận nó tăng hay giảm, nhưng cảm nhận cá nhân tôi thì thấy đúng là các vụ việc đang ngày càng gia tăng và mức độ cũng đang nghiêm trọng hơn rất nhiều” - bà Hồng nhận định.
Áp lực xã hội
"Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung phát triển mạnh khoa học công nghệ, kinh tế mà bỏ quên chiến lược phát triển xã hội, trọng tâm là phát triển con người. Xã hội không có con người tốt thì xã hội đó sẽ sụp đổ. Những vụ việc BLGĐ nghiêm trọng thời gian vừa qua là sự trả giá khi chúng ta chưa có những chiến lược phát triển xã hội và con người đúng hướng. Do đó, song song với phát triển kinh tế, chúng ta cần có chiến lược phát triển con người, định hướng xã hội”. TS Khuất Thu Hồng |
Theo TS Hồng, xã hội ngày càng phát triển, thì con người lại càng phải đối mặt với nhiều những áp lực trong cuộc sống. Khi những áp lực này không được giải quyết thì sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, căng thẳng. Tất nhiên khi những mâu thuẫn đó không được giải quyết thì nảy sinh hậu quả đáng tiếc và những vụ thảm sát, vụ giết người… trong chính gia đình là chuyện có thể xảy ra.
“Thậm chí, ngay cả những bất công trong xã hội sự giàu - nghèo, đẹp - xấu… trong xã hội cũng làm gia tăng những mâu thuẫn giữa người và người với nhau. Khi mâu thuẫn bị tích tụ không được giải quyết, họ không thể chút giận vào những người mà họ cảm thấy đang giàu hơn, sướng hơn mình. Và khi cơn giận không có chỗ phát tác thì họ tìm tới những người yếu thế hơn mình như vợ con, anh, em bên cạnh để xả” - TS Hồng phân tích.
TS Hồng cũng cho rằng, ngoài những nguyên nhân đã kể ở trên thì việc thiếu những kỹ năng xử lý xung đột, xử lý mâu thuẫn cũng là một trong những nguyên nhân làm cho vụ việc mâu thuẫn bị bùng phát, không thể kiểm soát và để lại hậu quả đau lòng.
Đồng quan điểm này, ông TS Mã Ngọc Thể - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm phân tích, hiện nay chúng ta dạy trẻ những vấn đề khá lớn lao về chuyên môn kỹ thuật, hay tình yêu đất nước, yêu quê hương lớn lao nhưng lại không dạy chúng về kỹ năng cơ bản sinh tồn hay kỹ năng giao tiếp xử lý để hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Điều này dẫn tới thực tế người Việt rất yếu kém trong việc xử lý mâu thuẫn ngay cả trong gia đình, trường học, xã hội.
“Khi có mâu thuẫn con người ta không tìm tới đơn vị để được hỗ trợ, tư vấn tâm lý mà thường “nén cục tức” vào trong, khi gặp phải chuyện bực tức khác thì ngay lập tức những dồn nén đó bị nổ tung dẫn tới mâu thuẫn. Đấy chính là nguyên nhân khiến nhiều những mâu thuẫn tưởng như nhỏ nhặt lại trở thành vụ thảm sát đau lòng. Có thể kể tới nhiều những vụ việc như: Nhắc nhở người vi phạm giao thông thì bị đâm, rồi tranh chấp đất đai thì bị chém cả nhà, nghi vợ có bồ thì giết…” - ông Thể nói.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, TS Hồng cho rằng, ngoài việc đưa ra những chiến lược phát triển con người toàn diện, vĩ mô, chú trọng tới vấn đề xã hội thì cũng cần tăng khả năng thực thi của chính sách. Ví như, hiện nay chúng ta đã có Luật phòng chống BLGĐ, nhưng qua hơn chục năm thực thi, chúng ta chưa bắt được ai, chưa có ai vào tù vì tội “BLGĐ”. Tất cả những vụ việc bạo lực đều bị ỉm đi, hoặc hòa giải qua loa. “Pháp luật là để thực thi không phải để hòa giải” - TS Hồng khẳng định.