Cây hồng được bắt đầu trồng từ năm 1996, từ dự án hỗ trợ xóa bỏ cây thuốc phiện do huyện Kỳ Sơn triển khai. Dù cây hồng không phải là cây bản địa nhưng lại rất hợp với thời tiết khí hậu huyện biên giới này. Ảnh: Lữ Phú
Hồng được trồng nhiều ở các xã vùng cao: Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống, Nậm Càn, Na Ngoi... Tranh thủ ngày trời nắng ráo người dân vùng cao Kỳ Sơn đang tích cực thu hoạch hồng bán cho thương lái. Mùa thu hoạch sẽ kết thúc vào tháng 11. Ảnh: Lữ Phú
Dù chỉ được trồng nhỏ lẻ, hộ ít chỉ từ 3 đến 5 cây, hộ nhiều thì vài chục đến vài trăm cây, nhưng cây hồng đã góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc nơi đây, giúp bà con dần dần xóa được đói, giảm được giảm nghèo bền vững. Ảnh: Lữ Phú
Những ngày này gia đình bà Già Y Và, bản Huồi Giảng 3 xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn tích cực vào vụ thu hoạch hồng trong vườn nhà. Ảnh: Lữ Phú
Để bảo quản hồng, các chị, các mẹ thường dùng gùi để bế về nhà. Ảnh: Lữ Phú
Hồng ở huyện vùng cao Kỳ Sơn không sử dụng phân bón và chất bảo quản, lúc chín hồng có màu khá đẹp, mọng nước và rất ngon ngọt hấp dẫn người sành ăn.
Năm nay hồng chín rộ nên bà con phải thu hoạch nhanh để bán được giá. Ảnh: Lữ Phú
Để quả hồng không bị hỏng, thương lái ép giá trong quá trình vận chuyển, người dân đã biết cách bảo quản trong các thùng xốp khá cẩn thận. Ảnh: Lữ Phú
“Với màu sắc khá đẹp, vị quả ngọt và thơm mềm, không chát nên quả hồng ở Kỳ Sơn được nhiều thị trường ưa chuộng. Năm nay mới giữa mùa mà gia đình tôi đã xuất bán được hơn 3 tấn hồng rồi” - ông Nguyễn Đức Lâm, một thương lái có thâm niên hơn 6 năm thu mua hồng ở thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn chia sẻ. Ảnh: Lữ Phú
Theo nhiều tiểu thương chuyên buôn hồng trên địa bàn Kỳ Sơn thì thị trường ưa chuộng hồng Kỳ Sơn nhiều nhất là vẫn là Hải Phòng, các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân ( tỉnh Hà Tĩnh) và thành phố Vinh. Ảnh: Lữ Phú
Lữ Phú