Dân Việt

DN 1 tháng tuổi “đấu” với FLC của ông Trịnh Văn Quyết giành “siêu” dự án 500ha

Minh Khôi 12/09/2019 07:30 GMT+7
Dù mới thành lập vào tháng 8/2019, nhưng Công ty CP DBD Hồ Tràm đã có số vốn lên tới 4.000 tỷ do ông Đỗ Hà làm tổng giám đốc và đang là “đối thủ” lớn của Novaland và Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết trong việc đề xuất thực hiện dự án Safari rộng hơn 500ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2005 và UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2009 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD, nhưng dự án vườn thú hoang dã (Safari) và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do Công ty CP Đầu tư Vườn thú hoang dã Safari và Khu Du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu - Việt Nam (liên doanh Việt Nam - Hồng Kông) làm chủ đầu tư đã không được triển khai theo như cam kết của nhà đầu tư.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chấm dứt hoạt động dự án, đồng thời đưa vào danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư. Đã có 4 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có văn bản đề nghị được đầu tư vào khu đất 530ha này. Trong đó, đáng chú ý là tập đoàn Novaland và tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Mới đây nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục có buổi họp nghe báo cáo và đề xuất ý tưởng đầu tư dự án, đó là Công ty CP DBD Hồ Tràm (DBD Hồ Tràm). Đây là doanh nghiệp có trụ sở đặt tại số 10A Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM.

img

Quy hoạch tổng thể dự án Safari Hồ Tràm.

Theo ý tưởng nhà đầu tư đề xuất, dự án Vườn thú hoang dã Safari sẽ triển khai trên diện tích hơn 500ha, với các phân khu chức năng: công viên vườn thú, khu nghỉ dưỡng biển, trung tâm thương mại - dịch vụ - vui chơi giải trí, khu cây xanh sinh thái, công viên nước, trong đó khu dịch vụ giải trí do Tập đoàn Paramount Pictures Corporation (Mỹ) chuyên sản xuất, phát hành phim và công viên giải trí tư vấn ý tưởng.

Điều đáng chú ý, DBD Hồ Tràm chỉ mới được thành lập vào ngày 8/8/2019 với 37 ngành nghề kinh doanh như xây dựng, thiết kế, tư vấn bất động sản,…trong đó ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Ông Đỗ Hà sinh năm 1949 là người đại diện pháp luật, Tổng giám đốc công ty.

Theo tìm hiểu, DBD Hồ Tràm đăng ký với số vốn điều lệ "khủng" 4.000 tỷ đồng. Có 5 cổ đông sáng lập, trong đó 3 cổ đông tổ chức là Công ty TNHH Phát triển đô thị Đông Bình Dương nắm 30% (tương ứng 1.200 tỷ), Công ty CP Antrip City nắm 25% (tương đương 1.000 tỷ), Công ty CP Đầu tư Antrip Villa nắm 25% (tương ứng 1.000 tỷ); 2 cổ đông cá nhân là ông Phạm Quý Sửu nắm 15% (tương ứng 600 tỷ) và ông Võ Như Thành nắm 5% (tương ứng 200 tỷ).

Trong đó, Antrip Villa cũng là một doanh nghiệp bất động sản mới thành lập hồi tháng 7/2018, có cùng trụ sở với DBD Hồ Tràm. Còn Antrip City vừa mới thành lập hồi cuối tháng 7/2019 có trụ sở tại Số 9, đường Ven Biển, ấp Thanh Bình, Xã Bình Châu, Huyện Xuyên Mộc, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cả hai công ty trên đều do ông Võ Như Thành làm Giám đốc và người đại diện pháp luật.

Cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất tại DBD Hồ Tràm là Công ty TNHH Phát triển đô thị Đông Bình Dương là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Đông Bình Dương tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) có quy mô 126ha. Đầu năm 2019, báo chí đã thông tin về dự án Khu đô thị Đông Bình Dương khi chỉ mới được phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa hoàn tất các pháp lý liên quan nhưng chủ đầu tư đã có dấu hiệu liên kết với đơn vị phân phối tiến hành huy động vốn đến 70% giá trị hợp đồng từ phía khách hàng…

Đặc biệt, dự án KĐT Đông Bình Dương đã “ngâm” hơn 15 năm, đến đầu năm 2019 mới được tái triển khai thực hiện. Cụ thể năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP HCM (Fideco) là chủ đầu tư dự án Khu dân cư – thương mại dịch vụ Đông Bình Dương với diện tích hơn 126 ha, tọa lạc tại phường Tân Bình, TX Dĩ An. Sau đó, Fideco liên doanh với Công ty Onshine Investments. Ltd để cho ra đời Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương để thực hiện dự án này. 

img

Dự án khu đô thị lớn nhất tại Dĩ An từng bị báo chí phản ánh có dấu hiệu huy động vốn trái luật. 

Liên quan tới nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có văn bản đề nghị được đầu tư vào dự án Safari, trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan để tìm ra phương án lựa chọn nhà đầu tư khả thi, hiệu quả nhất đầu tư vào khu đất nêu trên, đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên tham dự họp, bổ sung, tổng hợp và hoàn chỉnh lại báo cáo để trình Thường trực UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Trong khi đó, mới đây UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có thông báo số 298 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình tại cuộc họp Thường trực UBND để nghe báo cáo ý tưởng quy hoạch đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Safari tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản ủng hộ phương án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng Safari tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc của liên doanh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) và Công ty TNHH du lịch thương mại Á Đông Vidotour.

Không chỉ có Novaland, Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết cũng đã đề xuất quy mô Dự án Safari với ý tưởng quy hoạch là tận dụng cảnh quan thiên nhiên sẵn có, bố cục các khu chức năng tại các vị trí hợp lý.

Về định hướng không gian kiến trúc cảnh quan, tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đưa ra phương án hình thành 2 trục chính, đưa không gian thoáng của biển vào sâu trong dự án, đồng thời đa dạng hóa các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và tham quan trải nghiệm gồm: Khu vực vườn thú ngày, khu vực vườn thú đêm, công viên vui chơi, sân golf 18 lỗ và biệt thự golf, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu đô thị du lịch, các dịch vụ ven biển.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết nghiên cứu thêm về dự án, trong đó chú ý đến tên dự án, tỷ lệ xây dựng, nhà ở trong khu vực dự án, điểm nhấn của dự án nhằm thu hút khách du lịch đến với Bà Rịa – Vũng Tàu.