Hũ gạo nghĩa tình
Ba Vì là một xã miền núi, diện tích canh tác cây lương thực không nhiều, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê sinh sống. Do tập quán canh tác lạc hậu, cộng với sự khó khăn từ địa hình đồi núi và sự khắc nghiệt của thời tiết mang lại nên đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Chị Đinh Thị Nương – Chi hội trưởng chi hội thôn Nước Ui, xã Ba Vì (Ba Tơ) trao gạo hỗ trợ cho hộ bà Phạm Thị Xy – hộ nghèo của thôn Nước Ui. Ảnh: M.N
Toàn xã Ba Vì có đến 205 hộ nghèo (chiếm 20,1%). Đặc biệt, vào mùa giáp hạt, nhất là vụ hè thu, tình trạng thiếu nước tưới gây mất mùa, số hộ thiếu đói ngày càng nhiều hơn. Để góp phần hỗ trợ, động viên hội viên nông dân nghèo vượt qua được khó khăn trong cuộc sống, đầu năm 2017, Ban Chấp hành Hội ND xã đã phát động xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương” tại 2 chi Hội ND thôn Nước Ui và Măng Đen.
Bằng cách đặt hũ gạo (xô đậy có nắp và dòng chữ “Hũ gạo tình thương”) tại các điểm xay xát lúa gạo, sau khi người dân đem lúa đến chà gạo thành phẩm, tùy tấm lòng hảo tâm sẽ tự nguyện cho gạo vào bao nilông (mục đích cho vào bọc nylon là để không bị lẫn lộn giữa các loại gạo khác nhau, phục vụ việc phân loại gạo và trao tặng được dễ dàng hơn); thông thường mỗi người dân sau khi chà gạo xong sẽ ủng hộ từ 1-2kg/lần.
Tùy theo số lượng gạo quyên góp được mà Hội ND xã và Chi hội quyết định trao tặng cho các hộ nghèo theo quý hoặc tháng (nhiều thì tặng vào cuối tháng, ít hơn thì tặng theo quý). Kết quả, trong năm đã thu về 100kg gạo, hỗ trợ được 5 hộ nghèo, mỗi hộ 20kg gạo. Tuy giá trị hỗ trợ chưa nhiều nhưng nhờ trao “đúng lúc”, “đến đúng người đang cần” đã mang lại niềm vui và sự khích lệ lớn đối với những hộ khó khăn này.
Thành công bước đầu của mô hình đã giúp cho Ban Chấp hành Hội ND xã Ba Vì phấn khởi tiến hành triển khai nhân rộng thêm ở 2 chi hội hông dân khác, đó là chi hội thôn Nước Rò và Gò Vành. Tại 2 chi hội này, mô hình cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hội viên và đông đảo nhân dân. Với tấm lòng tự nguyện của hơn 210 hội viên ở 04 chi hội, năm 2018 mô hình “Hũ gạo tình thương” đã thu về 1.350kg gạo, trao tặng 4 đợt trong năm (4 quý), giúp đỡ được cho 45 hội viên nông dân nghèo với 30kg gạo/hộ.
Năm 2019, 4 chi hội trên vẫn duy trì thực hiện hoạt động hũ gạo, đến nay đã thu được số gạo là 1.614kg, trong đó dành 1.050kg trao cho 35 hộ hội viên nghèo với 35kg gạo/hộ/quý, còn lại 564kg gạo được bán lại giá rẻ cho các hội viên trong chi hội được hơn 4 triệu đồng, số tiền này được chi hội giữ lại và tạo nguồn quỹ để trao tặng kèm theo gạo cho các hộ người già neo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đơn trong dịp Tết Nguyên đán.
Niềm tin của người nghèo
Mặc dù đây không phải là cách làm mới nhưng kết kết quả của mô hình và sự quyết tâm, đồng tình của những người trong cuộc đáng để nhân rộng mô hình, đặc biệt là ở các huyện miền núi - nơi mà tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn”. ông Trần Một |
Ông Trần Một - Phó Chủ tịch Hội ND xã Ba Vì, người khởi xướng mô hình "Hũ gạo tình thương" cho biết: “Tôi nghĩ, muốn giúp đỡ người nghèo cần phải có sự đóng góp của nhiều người nên đã bàn với Ban Chấp hành xây dựng mô hình này.
Để tạo được sự ủng hộ, các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội ND xã đã kiên trì thuyết phục, vận động để các tầng lớp nhân dân tham gia góp gạo ủng hộ người nghèo. Cùng với đó, tại những nơi đặt "Hũ gạo tình thương", Hội còn viết lời kêu gọi dán lên hũ gạo về ý nghĩa "lá lành đùm lá rách", nhờ đó ngay từ khi mới khởi xướng, những "Hũ gạo tình thương" đã được nhiều người ủng hộ…”.
Theo ông Trần Một-những việc làm nghĩa tình của bà con nông dân trong các chi hội là hành động thiết thực, thực hiện tinh thần lời kêu gọi “lá lành đùm lá rách” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Phạm Thị Xy – hộ nghèo thôn Nước Ui được nhận hỗ trợ gạo từ mô hình cho biết: “Gia đình tôi có 2 khẩu, có nửa sào ruộng nhưng chỉ canh tác được một vụ. Chồng tôi lại đau yếu không thể làm thuê được gì nên cái ăn luôn thiếu trước hụt sau. Hai năm qua, nhờ có gạo này mà gia đình tôi đỡ đói khổ hơn, nhất là những ngày giáp hạt không phải chạy vạy mượn gạo của hàng xóm nữa…”.