Mỗi bữa ăn... 8 bát cơm, tráng miệng bằng 15 quả trứng vịt lộn
Ông Phùng Văn Lự (làng Tăng Cấu, xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng nhờ “biệt tài” ăn khỏe.
Người đàn ông nổi tiếng nhờ biệt tài ăn khỏe nhất vùng.
Mỗi bữa ông có thể ăn 8 bát cơm, “tráng miệng” bằng 15 quả trứng vịt lộn, đó là chưa kể các loại bánh trái, hoa quả ăn cho “vui mồm”. Chính vì thế, người dân trong vùng vẫn gọi vui ông bằng biệt danh: “Ông Lự Thánh Gióng” hay “người đàn ông có bụng không đáy”.
Ông Phùng Văn Lự nổi tiếng khắp vùng nhờ “biệt tài” ăn khỏe.
Ngôi nhà của ông Lự nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở làng Tăng Cấu, xung quanh là cây cối, vườn tược xanh mát mắt. Nhà cửa tuy đơn sơ nhưng được bố trí gọn gàng, sạch đẹp. Ông Lự khoe, mỗi ngày ông đều dành khoảng 1 tiếng tưới cây, trồng rau và quét tước nhà cửa. Đây vừa là thú vui, vừa là cách để ông rèn luyện sức khỏe.
Mỗi bữa ông có thể ăn 8 bát cơm, “tráng miệng” bằng 15 quả trứng vịt lộn, đó là chưa kể các loại bánh trái, hoa quả ăn cho “vui mồm”.
Ở tuổi ngoài 80, người đàn ông này trông vẫn rắn rỏi, dáng đi nhanh nhẹn và khá minh mẫn. Ông tự hào bảo, sức khỏe của mình thuộc diện tốt nhất làng, rất ít khi ốm đau. Cả đời ông chỉ có đôi lần phải vào viện nhưng chủ yếu là các bệnh cảm xoàng thông thường.
Chiếc bát sắt được ông Lự mua riêng, với lòng bát to, sâu để đựng nhiều thức ăn.
Chia sẻ về biệt tài ăn khỏe, ông Lự cười lớn giải thích đó là do cơ địa đặc biệt của mình. “Tôi ăn không có cảm giác no nên có thể ăn bao nhiêu cũng được, kể cả có một nồi cơm bảo tôi ăn hết trong một bữa tôi cũng đánh bay nhưng nói tôi ăn 3-4 bát, tôi cũng chịu được.”, ông Lự kể.
Ông Lự ăn khỏe từ khi còn là thanh niên, khi mỗi bữa có thể ăn 7-8 bát cơm sắt loại to, lúc đói ông đánh bay cả 12 bát cơm mà vẫn không thấy bõ bèn. Cũng may gia đình ông Lự thuộc dạng có điều kiện, nổi tiếng giàu có nhất vùng bấy giờ nên các anh em của ông gần như không phải lo đến cái ăn, cái mặc.
Ông Lự trổ tài ăn gần 20 quả trứng vịt lộn.
Nổi tiếng nhất vùng nhờ biệt tài ăn khỏe
Những năm 60, khi tham gia quân ngũ, biết biệt tài “ăn khỏe” của ông, bạn bè thường rủ nhau góp tiền, thách đố ông thi ăn. Lần nào, ông Lự cũng giành chiến thắng khiến đám bạn ông phải “tâm phục, khẩu phục”.
“Có lần đang đi hành quân, rẽ vào một quán nước, mấy anh bạn cùng đơn vị nổi hứng mang hết kẹo trong quán ra thách tôi ăn hết. Cô bán hàng lúc đó đếm sơ sơ còn khoảng hơn 100 chiếc kẹo tăm, khuyên tôi không nên cố.
Ở tuổi 80 ông Lự trông rắn rỏi, nhanh nhẹn và hoạt bát.
Tôi chỉ cười, đủng đỉnh bóc hết kẹo, ăn trong loáng chốc đã hết. Một lần khác, cả đám rủ nhau thi ăn kem, đến que thứ 10 nhiều người đã “xanh mặt, lè lưỡi” bỏ cuộc, còn tôi chén bay gần 30 cái. Thấy tôi ăn khỏe, cô bán hàng “choáng váng” còn bạn bè cũng tái mét mặt, vã mồ hôi phải móc hết tiền trong túi ra trả. Từ hôm đó, trong đơn vị, không ai còn dám thách đố tôi ăn uống bất cứ thứ gì nữa”, ông Lự cười nhớ lại.
Ông Lự vẫn duy trì chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rau quanh nhà.
Khi xuất ngũ, ông Lự về quê lấy vợ và đào ao, thả cá tại quê nhà Ba Vì. Ông ăn khỏe, nhưng làm cũng khỏe. Có thời gian, hai ông bà cấy đến 9 sào lúa, nuôi 200 con vịt và khoảng 70 con lợn trong chuồng. Vào mùa gặt lúa, mình ông Lự có thể gánh cả trăm kg thóc mà không hề hấn gì.
“Gia đình người ta mỗi bữa chỉ đong hai bát gạo, còn nhà tôi lúc nào cũng phải gấp 2-3 lần. Có khi mua đồ ăn sáng, phải đặt riêng cho ông ấy 1 kg, bằng cả nhà 4-5 người ăn cộng lại”, bà Lỳ – vợ ông Lự cười nói.
Biệt tài ăn khỏe của ông Lự cũng nổi tiếng khắp vùng, mỗi khi trong làng có đám cỗ bàn nhiều người lại tổ chức các cuộc thi ăn và mời ông tham dự. Một lần, khi tiệc tàn, khách khứa ăn uống no say, một người đàn ông nổi hứng, thách đố ông Lự ăn hết đĩa xôi đầy, được lèn chặt còn sót lại trên bàn.
Nghe thấy thế, ông Lự "không nói, không rằng" đứng lên nhờ nhà bếp gom hết lại các phần xôi thừa mang lên bàn. “Lúc đó, tôi nhớ có khoảng 3-4 đĩa xôi đầy, mặt đĩa phải to bằng bát ô tô loại to. Tôi đặt các đĩa trước mặt, ăn sạch bách không còn gì khiến ai nấy đều “lắc đầu, chịu thua””, ông Lự kể.
Hàng ngày, ông Lự đều dành thời gian luyện tập thể dục và lộn vài vòng trên cây nhãn sau nhà để tăng cường sức khỏe.
Cũng vì ăn nhiều mà ông có một đôi đũa riêng do mình tự vót. Đôi đũa này to, dài hơn nhiều so với đũa của người bình thường. Riêng bát để ăn cơm, ông cũng sắm riêng chiếc bát sắt, lòng bát sâu và miệng rộng, có thể chứa đầy các loại thức ăn để không phải mất công lấy cơm nhiều lần.
Ở tuổi ngoài 80, ông Lự cho biết mình vẫn có thể ăn cả chục bát cơm như thời thanh niên, sáng “tráng miệng” bằng 3 bát phở là chuyện “xoàng”. Tuy nhiên, nghe lời khuyên của các con “giảm ăn” lại để giữ sức khỏe, đến giờ mỗi bữa, ông chỉ dám ăn 3-4 bát, hạn chế ăn vặt và tăng cường luyện tập thể dục, thể thao.
Tuy tuổi đã cao nhưng cơ thể ông Lự vẫn rất dẻo dai.
Sáng nào ông Lự cũng dậy từ 5 giờ, sau khi quét tước nhà cửa, ông dành khoảng 30 phút, tập đánh quyền, rồi “lộn” người trên cành nhãn sau nhà.
Tuy cuộc sống đã khá giả hơn trước, hai vợ chồng ông Lự vẫn duy trì việc chăn nuôi gà vịt, thả bò, trồng rau như một thú vui tuổi già. Ông khẳng định, chính nhờ việc “ăn được, ngủ được”, lao động không ngừng nghỉ mỗi ngày mà cuộc sống của ông luôn đầy năng lượng, ngập tràn niềm vui, đặc biệt rất ít khi đau ốm, bệnh tật.
"Tôi quan niệm, mỗi ngày sống là một ngày vui. Để giữ sức khỏe, tôi tập thói quen ăn uống điều độ, hạn chế uống rượu, hút thuốc, tư tưởng thoải mái đặc biệt, lúc nào cũng phải vận động, làm việc để con người khỏe khoắn", ông Lự nói.