Dân Việt

“Sướng nhất Tết Trung thu là được... chia đồ ăn”

Nguyễn Hằng 13/09/2019 19:05 GMT+7
NSND Tự Long xúc động nhắc đến ngày xưa nghèo khổ, niềm vui sướng nhất mỗi dịp Tết Trung thu là được… chia đồ ăn. Còn ký ức ngày Tết Trung thu trong NSƯT Chiều Xuân, NSND Hồng Vân.... là tự tay làm đèn lồng, là ánh đèn lung linh, rực rỡ...

NSƯT Chiều Xuân: “Ký ức đêm Tết Trung thu ngày nhỏ là ánh đèn lung linh”

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Chiều Xuân cười nhớ lại: “Tết Trung thu ngày bé, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Sau này, lại nhớ đến Tết Trung thu của con. Ai cũng có tuổi thơ với ngày Tết Trung thu không thể quên được.

Tôi nhớ ngay đến những đèn ông sao ngày xưa được bố, anh làm cho từ giấy pơ luy hoặc giấy báo dán vào. Rồi cho xâu hạt bưởi vào rồi đốt. Thường thì đốt xâu hạt bưởi thì đèn ông sao cũng... cháy tan nát luôn”.

img

NSƯT Chiều Xuân luôn rộn ràng, háo hức mỗi dịp Tết Trung thu.

Nữ nghệ sĩ cho biết khi lớn hơn, nhà có điều kiện chút thì được bố mẹ mua cho đèn ông sao. Chị chia sẻ: “Ngày đấy, tôi thích cái đèn ông sư lắm (hay còn được gọi là đèn cù- pv). Đèn có cán đẩy, khi đẩy thì đèn quay quay. Thắp cây nến trong đèn khi khi đèn nghiêng thì thường bị bén giấy, bị cháy. Mỗi lần đèn cháy xém là tôi tiếc lắm.

Tôi cũng nhớ nhà hàng xóm, hay nhà ai kỳ công, có ai khéo tay ngồi gò cái thuyền, cho tí dầu hỏa vào, thả vào chậu nước, thuyền chạy xình xịch là lũ trẻ hò reo sung sướng.

Còn lớn hơn chút nữa, con gái mê có chiếc lồng con thiên nga làm bằng bông. Chị cả đã mua cho tôi. Trong lồng có thiên nga bố, thiên nga mẹ, mỏ đỏ và mấy đứa con, cho mấy quả trứng vào. Nhìn lồng thiên nga, như nhìn thấy xứ sở thần tiên, tôi mê mẩn, quý hóa lắm. Chơi xong, tôi cất lồng thiên nga đi, sang năm lại lấy ra chơi tiếp.

Nhắc đến bánh trung thu thì ngày đó, tôi nhớ bố mua bánh theo suất ở cửa hàng mậu dịch. Tôi chỉ được ăn khoảng 2 lần, trước Trung thu được ăn một miếng, sau ngày Tết trung thu được ăn một miếng...”

img

Đèn ông sư loại đèn có bánh xe đẩy mà nhiều thế hệ 7x, 8x thích chết mê chết mệt (Ảnh minh họa).

Và NSƯT Chiều Xuân tiết lộ ký ức đêm Tết Trung thu ngày nhỏ là ánh đèn lung linh, đèn ông sao, đèn nến sáng lắm: “Có lẽ ngày đó đèn điện ít nên ánh sáng từ đèn Trung thu tỏa sáng, rọi trong đầu những đứa trẻ, đẹp lắm. Chị gái tôi hay tổ chức văn nghệ cho lũ trẻ trong xóm, cùng nhau múa hát, chơi trồng cây chuối, chơi trò chơi rồng rắn lên mây... Khi chị gái lớn rồi, tôi lại là “trùm” điều khiển lũ trẻ con ở xóm hát múa, nghịch ngợm. Mỗi đứa cầm cái đèn đi dung dăng ngoài phố.

Tôi vẫn nhớ nguyên cảm giác háo hức mong mau chóng đến lúc đi rước đèn. Nhưng đi một lúc là đèn bị bén lửa cháy hết. Ngày đó, cũng không xảy ra hỏa hoạn. Đèn cháy, cứ ném xuống đất, hết cháy thì thôi...”.

NSND Tự Long: “Sướng nhất Tết Trung thu là được... chia đồ ăn”

Riêng với NSND Tự Long, Trung thu cũng vui như mở hội vì được ăn bánh ngày lễ. Tự Long xúc động nhắc đến ngày xưa nghèo khổ, niềm vui sướng nhất mỗi dịp Tết Trung thu là được… chia đồ ăn.

img

NSND Tự Long và vợ đưa con gái đi chơi Tết Trung thu tại Văn Miếu, năm 2017.

“Tôi nhớ Tết Trung thu ngày nhỏ đến nhà bạn phá cỗ xong lại rủ nhau kéo đến nhà mình phá cỗ. Ngày xưa từ “phá cỗ” ý nghĩa lắm, thích lắm. Chúng tôi được chia khẩu phần bánh kẹo.

Trẻ em bây giờ quá đầy đủ, cũng có quá nhiều nhà cao tầng nên ít trẻ em nhìn thấy trăng lắm. Cuộc sống giờ đầy đủ đến mức độ, hầu như trẻ em chỉ chờ đợi đến ngày Trung thu để được đi chơi. Trẻ em bây giờ có nhiều đồ chơi nhưng không thật sự có ý nghĩa nhiều bằng Trung thu ngày xưa của tôi.

Trước, đến đúng ngày Rằm tháng 8 trẻ con mới được ăn bánh nướng bánh dẻo. Giờ chúng được ăn thường xuyên rồi nên bánh dẻo bánh nướng không còn ý nghĩa lắm”, NSND từng chia sẻ trên sóng truyền hình.

Theo “Táo” Tự Long, cuộc sống trước đây khó khăn nên trẻ con cũng chịu khó tìm tòi sáng tạo hơn. “Ngày trước cuộc sống vất vả hơn, trẻ con cũng tìm tòi sáng tạo hơn, tự tạo cho mình đồ chơi. Một trong những đồ chơi mà những thế hệ 8X làm là cắt lon bia ra, để nến vào trong rồi cầm đi chơi. Thế hệ 7X như tôi ngày xưa thì có tạo trống ếch: lấy ống bơ, lấy da con ếch căng vào và đánh trống. Cách Trung thu một tháng, tiếng trống ếch đã làm cho trẻ con thời bấy giờ có cảm giác náo nức, hồ hởi chờ đón đến ngày Trung thu...”, anh nói.

NSND Hồng Vân, Thanh Bạch từng thiếu tiền, tự làm đèn lồng Trung thu

Nếu như Tự Long ấn tượng sâu sắc ký ức Tết Trung thu tuổi thơ được chia đồ ăn thì NSND Hồng Vân, MC Thanh Bạch lại nhớ đến tuổi thơ tự làm đèn để chơi.

img

NSND Hồng Vân tiết lộ, ngày bé chị tự tay làm đèn lồng để chơi Tết Trung thu.

"Hồi xưa Vân tự tay làm nên lồng đèn để chơi chứ không có tiền để mua", nữ nghệ sĩ tự tin khoe trong chương trình “Ký ức vui vẻ” mới đây. Không chỉ có đèn ông sao, nữ nghệ sĩ còn làm đèn từ tép bưởi và tự tay trang trí cho độc đáo.

Tiếp lời Hồng Vân, nghệ sĩ Thanh Bạch cũng xúc động tâm sự: "Làm đèn Trung thu là niềm vui lớn hơn khi cầm tiền ra tiệm mua. Mỗi năm tới ngày Trung thu, tùy theo cảm hứng mà chính mỗi người sẽ là một nghệ nhân cho gia đình của mình để sáng tạo nên hình mẫu của những chiếc lồng đèn".

Trong khi đó, rước đèn và phá cổ Trung thu đối với diễn viên Mai Thu Huyền là cả một trời tuổi thơ. Được sinh sống trong khu tập thể, mỗi năm diễn viên Mai Thu Huyền đều chờ cho đến ngày Tết Trung thu để được cùng các bạn nhỏ trong xóm tụ tập rước đèn ngắm trăng...