Ông Lò Văn Thong (70 tuổi), bản Mường Và (xã Mường Và, Sốp Cộp), một trong những người am hiểu sâu về phong tục tập quán trong đời sống văn hóa của dân tộc Lào, cho biết: Theo phong tục của người Lào ở Sốp Cộp tết “khẩu hó” là một trong những ngày lễ quan trọng được tổ chức hàng năm sau khi kết thúc một mùa lúa.
Để đón tết, trước đó các gia đình sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị đồ ăn thức uống làm mâm cỗ và cúng tổ tiên. Vào ngày tết “khẩu hó” con cháu, anh em dù bận bịu đến đâu cũng gác công việc là về sum vầy bên gia đình, vui một cái tết đầm ấm, chúc nhau những chén rượu nồng.
Những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Lào ở xã Mường Và.
Theo ông Thong, thông thường mỗi gia đình sẽ làm 7 mâm cơm cúng tổ tiên, thần linh. Ngoài ra, làm thêm các mẫm cỗ để mời anh em, họ hàng, làng xóm và khách phương xa đến chung vui ăn uống, chúc nhau những lời tốt đẹp. Đồ cúng trong ngày tết "khẩu hó" được làm rất cầu kỳ, phải chuẩn bị trước đó vài tuần mới đủ, bao gồm: Thịt gà, vịt, nhộng ong, dế mèn, ếch, nhái và các loại củ quả như bí, su su, cam, dưa… do người dân tự trồng. Đây là những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cũng như mâm cúng ở mỗi gia đình.
Phụ nữ dân tộc Lào đang gói cơm chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên.
Thịt gà, vịt được luộc chín rồi chặt thành từng miếng nhỏ, một trong những thứ không thể thiếu đó là gạo nếp tan và cốm, loại gạo làm từ lúa non dùng để đồ xôi, để dâng lên ông bà, tổ tiên trong ngày tết. Đối với người Lào Sốp Cộp, từ lâu gạo nếp tan đã ăn sâu vào đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Xôi là một trong những thứ không thể thiếu được trong mâm cỗ vào ngày tết "khẩu hó".
Đặc biệt đối với người Lào ở Mường Và (Sốp Cộp), trước khi làm mâm cỗ tại gia đình, những người cao tuổi, già làng, người có uy tín trong bản sẽ làm một mâm cúng tại Tháp Mường Và (biểu tượng biểu tượng linh thiêng của người Lào). Tại đây, các già làng sẽ báo cáo với thần linh, tổ tiên về kết quả vụ mùa đã qua. Và cầu mong ông bà, tổ tiên chúc phúc cho con cháu có được một mùa vụ sản xuất mới như ý muốn, đạt kết cao.
Các món ăn được trưng bày đẹp mắt.
Trong 7 mâm cúng chủ yếu bày củ quả, các mâm cúng sẽ đặt ở các vị trí khác nhau (4 góc nhà, 1 mâm cúng ở nhà bếp, 1 mâm cúng dưới gầm sàn, 1 mâm cúng ngoài vườn, tùy theo vị trí của từng nhà). Khi mâm cúng đã xong xuôi, các gia đình làm tiếp mâm cỗ để mời anh em, họ hàng, làng xóm và khách đến để chung vui ăn uống.
Mâm cơm cúng bái tổ tiên của người Lào.
Ông Thong chia sẻ: Nét độc đáo trong tết "khẩu hó" của người Lào là các món ăn sẽ được gói thành từng gói nhỏ, mỗi gói gồm 7 món. Các gói cơm này có nhiều ý nghĩa khác nhau, một số người cho rằng khi con cháu mời tổ tiên về ăn tết với gia đình xong, đến khi trở về trời sẽ mang những gói cơm này theo, về chia phần cho các vị thần vì bận việc mà không xuống trần gian ăn tết cùng bà con được.
Để có một cái tết với nhiều món ăn bà con phải chuẩn bị cách đó vài ngày.
Gói cơm cũng được hiểu theo một ý nghĩa khác nữa, rằng người xưa do điều kiện sống khó khăn, không có đồ dùng bảo quản thức ăn nên để tránh ruồi nhặng làm hư thức ăn bà con đang nghĩ ra cách dùng lá chuối, lá dong gói thức ăn lại sẽ để được lâu hơn.
Tất cả mâng cúng sẽ phải làm xong trước 9 giờ sáng và trong mâm cúng, mỗi đồ vật, món ăn mang một ý nghĩa riêng, nhưng tựu chung lại cầu mong cho mưa thuận gió hòa, dân bản làm ăn thuận lợi, trâu, bò, lợn, gà... sinh sôi nảy nở, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Sau đó, chủ nhà tiếp tục chuẩn bị các mâm cơm đãi khách.
Không khí của ngày tết đông vui, mọi người cùng chúc nhau những chén rượu nồng.
Hiện nay, tại Sốp Cộp, tết “khẩu hó” được làm tại 2 xã Mường Lạn và Mường Và, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Lào sinh sống. Đây là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Lào được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Trong ngày tết nhiều gia đình có điều kiện thịt cả trâu, bò để làm cỗ tiếp đãi khách.