Theo quyết định thành lập, khu công nghiệp Yên Phong II-C thuộc địa phận thị trấn Chờ, xã Đông Tiến và xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Dự án này có diện tích quy hoạch khoảng 219,22ha và tổng mức đầu tư 2.234 tỷ đồng (trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 357,4 tỷ đồng, vốn vay là 558,5 tỷ đồng và vốn khác là 1.318 tỷ đồng). Thời gian hoạt động khu công nghiệp là 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư.
Tháng 4/2019, huyện Yên Phong đã phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và Tổ công tác giúp việc, đồng thời ra thông báo thu hồi đất và xây dựng kế hoạch thu hồi đất để giao cho Viglacera thực hiện dự án này.
Phối cảnh dự án khu công nghiệp Yên Phong II (ảnh TL)
Trước đó, vào tháng 9/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Yên Phong II-C. Nhà đầu tư dự án là Tổng công ty Viglacera.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm về năng lực nhà đầu tư được lựa chọn đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật; chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ được triển khai dự án sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp Yên Phong II….
Trước đó, tháng 3/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong II, huyện Yên Phong, tỷ lệ 1/5.000.
Cụ thể, diện tích lập quy hoạch Đồ án khoảng 655 ha, thuộc các xã Đông Tiến, Tam Giang, Hòa Tiến và thị trấn Chờ, huyện Yên Phong. Phía Bắc giáp Đường tỉnh 285B, phía Đông giáp khu dân cư cũ và Đường tỉnh 295; phía Tây giáp đê sông Cà Lồ và thôn Yên Vĩ (xã Hòa Tiến), phía Nam giáp Quốc lộ 18 và thôn Trác Bút, thị trấn Chờ.
Theo Đồ án, KCN Yên Phong II được chia làm 3 phân khu. Phân khu A nằm ở phía Tây Quốc lộ 3 với diện tích khoảng 151,27 ha. Phân khu B nằm giữa Quốc lộ 3 và Đường tỉnh 277 với diện tích khoảng 282,67 ha. Phân khu C nằm ở phía Đông Đường tỉnh 277 với diện tích khoảng 220 ha.
Các phân khu bố trí đầy đủ các chức năng (sản xuất, khu điều hành, dịch vụ; cây xanh, giao thông, bãi đỗ xe và các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối...) và được kết nối với nhau qua các trục giao thông đối ngoại và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của khu công nghiệp.
Ngoài Bắc Ninh, Viglacera cũng là chủ đầu tư nhiều dự án khu công nghiệp Yên Phong, Tiên Sơn, Thuận Thành, Phong Điền, Đồng Văn IV, Phú Hà, Yên Mỹ, Tiền Hải…
Trên thị trường bất động sản, Viglacera được biết đến là “ông trùm” đầu tư nhiều khu nhà ở xã hội tại Hà Nội. Dự án nhà ở xã hội lớn nhất từng được doanh nghiệp này đầu tư là khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Khu đô thị Đặng Xá có tổng diện tích khoảng 70 ha với trên 3.000 căn hộ đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp tại Hà Nội.
Gần đây, tháng 6/2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành Quyết định số 2141/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Dự án thí điểm Khu nhà ở xã hội tập trung, tỷ lệ 1/500, tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Theo Quyết định, Khu nhà ở xã hội tập trung có quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch chi tiết khoảng 44,72ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 12.500 người.
Tổng công ty Viglacera cũng kết hợp với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội. Dự án Nhà ở xã hội tại Kim Chung – Đông Anh (Thăng Long Green City) có diện tích gần 3,7ha, bao gồm 04 đơn nguyên trên ô đất CT3, CT4, cao 9-12 tầng. Dự kiến hoàn thành năm 2020, dự án với 1.588 căn hộ sẽ đáp ứng chỗ ở cho trên 5.330 người. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.300 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Viglacera, doanh thu thuần của công ty đạt 2.570 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Viglacera ở mức 620 tỷ đồng, tăng 11%. Trong kỳ, Viglacera ghi nhận 29,4 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 38%. Song song, tổng công ty này cũng ghi nhận 55,4 tỷ đồng chi phí tài chính, giảm không đáng kể so với quý II/2018; cùng với đó là 156 tỷ đồng chi phí bán hàng, tăng 26% và 151 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 25%. Kết thúc quý II/2019, lợi nhuận trước thuế của Viglacera đạt 288 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nửa đầu năm nay, tổng công ty này ghi nhận doanh thu thuần 4.839 tỷ đồng, tăng 18% so với nửa đầu năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 514 tỷ đồng, tăng 14%. |