Thu nhập tiền tỷ mỗi năm
Dẫn phóng viên Dân Việt ra cánh đồng lúa 25ha chuẩn bị thu hoạch của mình, ông Hoà cho biết, trong số diện tích trên, ông dành 10ha trồng lúa nếp, 5ha trồng lúa Nhật, những diện tích còn lại trồng giống lúa OM 5451 và IR 504.
Ông Hoà làm giàu từ cây lúa
“Sở dĩ tôi ưu tiên trồng lúa nếp với 10ha là vì trước đó tôi khảo sát và biết rất ít người dân ở địa phương trồng giống này. Do ít người trồng nên tới đây, khi thu hoạch tôi có thể bán được giá 6.000 đồng/kg trong khi đó các giống lúa thường khác chỉ ở mức từ 4.000- 5.000 đồng/kg” – ông Hoà cho biết.
Ông Hoà cho biết thêm: “Khi sản xuất vụ lúa tới, chắc chắn người ở địa phương sẽ trồng lúa nếp do thấy tôi bán giá cao. Tuy nhiên, ngược lại, tôi sẽ kiếm giống lúa khác, ít người trồng để ưu tiên sản xuất. Nếu tính về năng suất, lúa tôi trồng không thua ai, trung bình 6 tấn/ha/vụ nhưng giá bán thì tôi lời nhiều hơn”.
Ngoài 25ha sản xuất lúa trên, ông Hoà còn 25ha đất chuyên trồng lúa nữa. Tuy nhiên, số diện tích này ông cho thuê với giá 2 triệu đồng/1.000m2/ năm.
Để có thêm thu nhập, ông Hoà còn kinh doanh dịch vụ thu hoạch lúa với khoảng 30 lao động phụ giúp (thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng). Về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ này, theo tính toán của ông Hoà, mỗi năm đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Ông Hoà còn có 3ha trồng chanh giấy (1.000 cây), dừa và bạch đàn. Mỗi năm, số cây trồng này cho doanh thu khoảng 280 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn khoảng 120 triệu đồng.
Ông Hoà bên vườn chanh giấy của mình
Ông Hoà cũng có 2 ao (tổng diện tích mặt nước khoảng 5.000m2) nuôi cá tra, cá điêu hồng và mè dinh (thả nuôi chung ao, cho ăn riêng), thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng/năm. “Tôi mới bán 1 ao 4 tấn cá, thu được gần 70 triệu đồng. Tôi nuôi cá bằng rau, hạt lúa nấu chín nên chi phí đầu vào không cao và không sợ bị lỗ” – ông Hoà cho hay.
Làm giàu từ gian khó
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Hoà quê ở tỉnh Thanh Hoá. Năm 1980, ông vào xã Vĩnh Điều làm thuê cho nông trường Vĩnh Điều A. Thời gian này, đất còn nhiễm phèn nặng nên nông trường chỉ làm được lúa 1 vụ và trồng đào với năng suất rất thấp. Hơn nữa, việc vận chuyển lúa, trao đổi mua bán gặp nhiều khó khăn nên đến năm 1991, nông trường giải thể.
Ông Ngô Thọ Hoà chia sẻ về quá trình sản xuất kinh doanh của mình
Khi nông trường giải thể, ông Hoà được chia lại 4 ha điều. “Lúc này khổ lắm, vợ chồng tôi có đứa con đầu tiên nhưng không có đủ đồ ăn cho nó nữa. Dù vậy, vợ chồng tôi thường động viên nhau cố gắng lao động, tích lũy trong cuộc sống” – ông Hoà kể lại.
Sau vài năm “nhịn ăn, nhịn uống” tích góp, ông Hoà quyết định mượn thêm tiền của bà con ở địa phương mua 1 chiếc máy cày, khai phá diện tích đào để trồng lúa. Đồng thời, khai phá thêm được 15 ha đất trồng lúa kế cận.
Đến năm 1994, ông Hoà là người đi đầu ở địa phương trong việc chuyển sang trồng lúa 2 vụ. Cũng vào thời gian này, ông mua thêm đất để nâng cao quy mô sản xuất và mua 1 máy tuốt lúa.
Năm 2010, được sự hỗ trợ của ngành chức năng địa phương, vợ chồng ông Hoà quyết định bán máy tuốt lúa và vay vốn ngân hàng để mua lấy 1 chiếc máy gặt đập liên hợp để cắt lúa cho gia đình và làm dịch vụ, phục vụ cho bà con ở địa phương. Do làm ăn hiệu quả, có lời nên gia đình ông mạnh dạn đầu tư thêm 4 chiếc máy gặt đập liên hợp, 2 chiếc máy cày, 4 chiếc máy kéo.
Thời gian qua, nhờ làm nông nghiệp mà ông lo cho 2 đứa con đi học hết đại học và có chỗ làm ổn định ở TP.HCM. “Hai đứa con của tôi đều làm kho bạc Nhà nước, đều có gia đình hết rồi. Mới đây, tôi còn lấy tiền xây cho mỗi đứa 1 căn nhà lầu to ở TP.HCM nữa” – ông Hoà vui vẻ nói.
Về kế hoạch sản xuất trong thời gian tới, ông Hào cho hay trong năm tới, sẽ bán hết số máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy kéo cũ để mua mới phục vụ cho bà con được tốt hơn. Ngoài ra, ông dự tính sẽ dành số vốn lớn để xây nhà nuôi yến.
“Tôi có ao rất lớn ngoài đồng, ngày nào yến cũng về đây bay qua bay lại với số lượng rất nhiều. Nếu tôi xây nhà yến chỗ này thì sẽ thu lợi lớn. Để làm được đều này, tôi không vội mà phải chờ tôi đi học cách nuôi yến xong thì mới tính được. Hơn nữa, khi xây nhà nuôi yến thì cũng phải tính đến đầu ra, lực lượng lao động phụ giúp nữa” – ông Hoà nói.
Khi kinh tế gia đình khá giả, gia đình Hoà thường xuyên đóng góp cho địa phương kinh phí để làm cầu, đường và các phong trào hữu tích khác. Bên cạnh đó bản thân còn chia sẽ kinh nghiệm sản xuất cho bà con lân cận, cùng nhau phát triển để góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả sản trong lao động sản xuất, từ năm 2014 đến nay, ông Ngô Thọ Hoà thường xuyên nhận được Bằng khen, giấy khen của huyện Giang Thành và tỉnh Kiên Giang về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, nông dân tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Ông Ngô Thọ Hoà cũng là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10.2019. |