Sống chung với rắn
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, người dân Vĩnh Sơn trước đây vẫn quen nuôi rắn ngoài đồng và để chúng sinh sản trong điều kiện tự nhiên, nhưng thực tế cho thấy cách nuôi này đã không đem lại nhiều hiệu quả, dễ bị mất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi rắn sổng chuồng. Trong chừng mươi năm trở lại đây, người Vĩnh Sơn đã biết nuôi nhốt theo phương pháp tiên tiến cho chất lượng rắn tốt hơn, vừa dễ kiểm soát và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn giới thiệu hệ thống hang, chuồng nuôi rắn.
Việc đầu tư cho hang rắn không quá nhiêu khê đòi hỏi nhiều vốn liếng, lại chỉ cần bỏ kinh phí một lần… Nuôi rắn hổ mang nhàn mà hiệu quả kinh tế lại cao ngất nên nhiều người thi nhau xây hang, đua nhau nuôi rắn - hầu như hộ nào trong làng cũng biết làm hang nuôi rắn.
“Hang rắn là một cái hầm hình hộp được ốp bằng mấy hàng gạch chỉ (cao chừng 30 - 40cm) và không cần phải tô trát hay sơn vôi gì cả, mỗi cạnh chừng 40cm đủ cho một con rắn cuộn tròn bên trong. Phía dưới có máng hốt, bên trên cửa hang được làm bằng gỗ có ghép lưới sắt và khóa chốt cẩn thận.
Do rắn là loài vật ưa bóng tối, nhiệt độ thích hợp nhất từ 25 - 30ºC nên hang chỉ cần hệ thống thông hơi mà không cần đến ánh sáng. Đó là hang dành nuôi rắn lớn, chứ để nuôi rắn mới nở còn đơn giản hơn - người ta xây những cái chuồng nhỏ trên mặt đất rộng chừng 4m², cao độ 1m và không phải lợp mái. Chỉ cần đổ vào chuồng một ít đất và thêm vào đó một cái chăn bông cũ là đã thành chuồng nuôi hàng trăm rắn con”, ông Dũng chia sẻ.
Do phải tận dụng triệt để những vị trí trống để làm hang nên đất ở của con người đôi lúc còn ít hơn diện tích dành cho nuôi rắn. Hang rắn mọc lên dày đặc ở ngoài vườn, trong nhà, thậm chí ngay bên cạnh… giường ngủ. Vì thế không phải vô căn cứ khi có người nói đùa “ăn cùng rắn, ngủ cùng rắn, buồn vui cùng… rắn”, bởi thực tế khi rắn bệnh chủ nhà cũng bệnh theo vì “lo”…
Du khách tham quan khu sản phẩm chế biến từ rắn.
Theo thống kê, hiện nay toàn xã Vĩnh Sơn có hơn 800 hộ nuôi rắn, chiếm gần 60% số hộ trong xã. Sản phẩm chính của làng nghề rắn Vĩnh Sơn là rắn thương phẩm và rắn sinh sản. Ngoài ra, các thương lái còn thu mua rắn hổ mang về chế biến rượu rắn, cao rắn, xác rắn lột được thu mua làm thuốc chữa bệnh, nọc độc rắn hổ mang được dùng trong dược phẩm, da rắn làm các đồ mỹ nghệ dây lưng, ví da, mật rắn dùng chữa các bệnh hen, tiêu hóa...
Kỳ vọng làng nghề
“Những năm gần đây, việc phát triển nghề nuôi rắn truyền thống của địa phương có nhiều đổi mới. Số hộ chăn nuôi rắn với quy mô nhỏ giảm, số hộ chăn nuôi quy mô lớn ngày càng tăng. Người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi, chú trọng đầu tư kho lạnh, nhà ấm, phòng chữa bệnh cho rắn... Do vậy hiệu quả chăn nuôi ngày càng được nâng lên”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, sản phẩm chế biến từ rắn hổ mang còn nghèo nàn, với hai sản phẩm chủ lực là thịt rắn thương phẩm và trứng rắn, chưa thu hút người tiêu dùng. Một số hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ chuyên cung cấp các sản phẩm từ rắn hổ mang ra đời nhưng mặt hàng còn rất đơn giản về mẫu mã, việc quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm rất hạn chế, công đoạn chế biến thủ công, do đó hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Tường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, xã Vĩnh Sơn nằm trong vùng quy hoạch xây dựng thành điểm “Làng nghề chăn nuôi rắn - du lịch - dịch vụ”.
Dự án làng nghề chăn nuôi chế biến rắn tập trung bao gồm: Khu chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn, khu dịch vụ du lịch (chợ tham quan, thưởng thức và mua sắm những sản phẩm chế biến từ rắn)…
Hiện nay, du khách đến với làng nghề rắn Vĩnh Sơn sẽ được thụ hưởng nhiều dịch vụ như: tham quan khu chăn nuôi, trực tiếp quan sát loài động vật đang dần hiếm gặp trong môi trường tự nhiên, cảm nhận những khó khăn của nghề chăn nuôi rắn; thưởng thức món ăn ngon, lạ chế biến từ rắn và ra về với niềm hân hoan được sở hữu sản phẩm thịt, cao, rượu… từ rắn. |