Dân Việt

Lên đỉnh núi nuôi thứ lợn lông như chổi xể, thu hơn 200 triệu/tháng

Chiến Hoàng 17/09/2019 06:30 GMT+7
Từ những vạt rừng cằn cỗi, heo hút, bằng trí lực và sự nhanh nhạy, chịu khó, năng đông, anh Chu Quang Phúc (SN 1978) thôn Nà Cọ, xã Đông Viên của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã chinh phục thành công đỉnh Mu Muộn. Trên đỉnh núi này, anh nuôi bạt ngàn giống lợn rừng lai lông cứng như chổi xể để mỗi tháng anh có thu nhập 200 triệu đồng-con số thật khó tin.

Từ dưới suối ngước nhìn lên đỉnh Mu Muộn muốn gảy cả cổ, phải mất vài phút cái đầu mới có thể ngọ nguậy bình thường trở lại, còn 2 con mắt thì tưởng đâu đã lồi ra như mắt ốc sên mà con dốc vẫn hun hút như đường lên trời. Ngày nắng đã vậy, những hôm mưa lũ thì chỉ còn nước ngồi bên suối mà ao ước. Vậy mà Chu Quang Phúc (thôn Nà Cọ, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) lại dám làm một cuộc ngược ngàn lên mãi đỉnh Mu Muộn này để xây dưng mô hình kinh tế Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR), đặc biệt anh nuôi rất nhiều loài lợn rừng lai.

Lên Mu Muộn lần này, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN thực sợ ngỡ ngàng trước sự đổi thay của những vạt rừng nghèo mà cách đây gần chục năm chúng tôi đã có dịp được làm khách đường xa tại lán trại nhà anh. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo trơn trượt, trước đây mỗi khi lên, xe môtô phải cài số 1, dang chân mà bơi mới đến được đỉnh thì nay đã được bê-tông hóa, đủ rộng cho một chiếc xe tải 1,5 tấn chạy bon bon.

img

img

Vợ anh Chu Quang Phúc cho một hộ vệ tinh mượn lợn giống về nhân đàn.

img

Anh Chu Quang Phúc thả đàn lợn choai cho đi thể dục.

img

Khu chuồng trại nuôi lợn rừng lai mới được cơi nới thêm của gia đình anh Phúc.

Từ cổng vào, phía bên trái là những khu chuồng trại được bố trí khoa học. Diện tích gần 4ha rừng được bao bọc bằng lưới B40 kiên cố làm khu vui chơi cho đám lợn lai rừng. Anh Chu Quang Phúc bảo, việc thả lợn lên rừng không chỉ giúp lợn chắc khỏe, mà không hiểu chúng ăn gì, lợn không bị giun sán hay ghẻ lở bao giờ.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Phúc cho biết, trước đây trên này là những vạt rừng cằn cỗi, đường lên không có nên hầu như bà con không trồng hoặc có trồng cũng rất ít vì rất khó khai thác khi cây đến tuổi thu hoạch. Chính bởi đó mà anh khá thuận lợi trong việc mua lại rừng của người dân ở trên đỉnh Mu Muộn này.

“Lúc đầu hai vợ chồng mua 3ha đất rừng trên Mu Muộn với dự tính để lấy củi dần, sau thấy phát triển trồng rừng, làm kinh tế cũng tốt lại có ao chuôm nên quyết định đầu tư tiền của mà hai vợ chồng chắt chiu từ những ngày ngược xuôi khắp các nẻo chợ phiên từ Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng... để phát triển trồng rừng, và chăn nuôi”, anh Phúc nói.

 “Phải vay mượn khắp nơi, thậm chí lãi suất có lần lên đến 20% nhưng rồi cũng trả được. Khi đó chúng tôi vừa phát triển VACR lại vừa ngược xuôi chạy chợ nên hết sức vất vả. Mãi đến năm 2011, khi mô hình đã tạm ổn định và có thu, vợ chồng tôi mới nghỉ việc chạy chợ mà toàn tâm toàn ý với mô hình kinh tế này”, anh Phúc chia sẻ.

Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, chắt chiu dành dụm, hiện anh Phúc đã mua được hơn 12ha rừng trên đỉnh Mu Muộn. Để thuận tiện cho việc xây dựng trang trại chăn nuôi, gia đình anh đã làm thủ tục chuyển 5,6ha sang loại đất sử dụng được nhiều mục đích.

img

Lợn rừng lai con trông như những quả dưa xinh xắn, bắt mắt.

img

Lợn rừng được thả ra sân tắm nắng hằng ngày. Gia đình anh Phúc luôn duy trì hơn 400 con lợn lai rừng thương phẩm, được liên tiếp gối đàn.

Hiện tại lán trại trên Mu Muộn được gia đình anh Phúc thường xuyên duy trì hơn 400 con lợn rừng lai thương phẩm, chủ yếu là lợn rừng lai. Ngoài ra ở chỗ anh cũng có cả lợn hương và lợn táp lá, theo anh Phúc, lợn rưng lai thương phẩm tại trại lợn nhà anh chủ yếu được bán ra các thị trường Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

“Chúng tôi không đủ lợn mà bán cho khách, do đó đã chủ động liên kết với các hộ chăn nuôi tại địa phương, hỗ trợ họ kỹ thuật nuôi lợn rừng lai, chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn rừng lai và bao tiêu đầu ra. Tôi mua theo giá thị trường, cho bà con khảo giá nhiều chỗ, mình mua với giá cao nhất có thể để bà con yên tâm gắn bó”, anh Phúc cho biết.

Lợn rừng lai bố mẹ tại trại lợn của anh hiện có hơn 20 con. Chuồng trại được chia làm 4 khu, anh Phucs đang tiếp tục xây thêm một khu nữa. Lợn con sinh ra khi đã cứng cáp thì tách mẹ để riêng một khu. Theo anh Phúc, chỉ thời gian này là chăn cám, khi đã cứng cáp hơn, anh cho nhập với lợn rừng lai thương phẩm để gối đàn và ăn chủ yếu là chăn thức ăn ủ, lá cây, rau củ quả và bã bia.

“Bã bia được tôi nhập về từ công ty bia Heniken, trung bình mỗi tháng, tiền bã bia cho lợn cũng phải mất khoảng 20 triệu đồng. Được ăn những đồ rau củ, bã bia… lại được thả lên rừng nên lợn chắc và thơm thịt lắm. Do tập tính, lợn mẹ khi sắp đẻ, luôn tìm cách phá chuồng để lên rừng đẻ, cũng không cần tìm làm gì bởi đẻ được thời gian, lợn con cứng cáp, lợn mẹ sẽ tự động dẫn về”, anh Phúc tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Mỗi tháng, trại lợn nhà anh xuất ra thị trường hơn 2 tấn lợn thương phẩm. Théo tính toán, với giá trung bình hiện nay 80.000đ – 120.000đ, gia đình anh thu về từ 160 triệu đến 240.000.000 đồng. Trừ chi phí nhân công khoảng 50.000.000 đồng cùng tiền mua thức ăn cho lợn, gia đình cũng dành được một khoản tiền không nhỏ.

Để đảm bảo về lợn bố mẹ, gia đình anh mua thêm 3,7ha tại thôn Nà Chang (xã Đông Viên), hiện đang trong quá trình làm mặt bằng; để phục vụ cho việc làm mặt bằng, mở rộng quy mô trang trại nuôi lợn rừng lai. Anh Phúc đã đầu tư cả một máy xúc và một xe trở đất. Dự tính khu này sẽ nuôi thả khoảng 70 con lợn rừng bố mẹ. Tại đây, gia đình anh cũng có 1ha đất ruộng.

Không chỉ nuôi lợn, trang trại anh Phúc còn nuôi hơn 400 con dúi, cùng với đó là trồng rừng, chủ yếu là cây quế, cây mỡ cùng 3 ao cá. Anh đang ấp ủ nuôi thêm con cầy hương. Hiện nay, rừng của anh đã cho khai thác, anh bảo làm không xuể nên chỉ khai thác ít một để trồng thay thế, nếu khai thác ào ạt thì rất vất cho việc trồng lại.

Cái khó hiện nay ở chỗ, tuy đã làm đường, đảm bảo cho xe tải có thể chạy, song đoạn qua suối hiện vẫn chỉ là cái tràn mà anh đã đầu tư từ rất lâu, cứ mỗi lần mưa, nước về là không thể đánh xe mang hàng đi được. Anh dự tính tới đây sẽ đầu tư mấy trăm triệu đồng để làm một cây cầu cứng. Có vậy mới yên tâm đảm bảo vận chuyển hàng cho khách bất kỳ khi nào khách gọi.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Triệu Đức Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Viên cho biết, mô hình nuôi lợn rừng lai và trồng rừng của gia đình anh Chu Quang Phúc rất hiệu quả. Tuy có thời gian chững lại do dịch tả lợn châu Phi không thể xuất bán, nhưng hiện nay xã đã công bố hết dịch, thứ lợn lông như chổi xể tại trang trại anh Phúc đã tiếp tục được đưa ra thị trường.

“Sự thành công của mô hình nuôi lợn lai rừng, kết hợp trồng rừng của gia đình anh Phúc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Ngoài nhân công, lao động thường xuyên tại trang trại, anh Phúc còn liên kết vệ tinh với nhiều hộ gia đình, việc liên kết này giúp cho thu nhập của người dân được nâng cao, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, ông Hoài cho biết thêm.