Phân bón rởm tràn lan
Ông Trần Quốc Linh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Cuối năm 2011, Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long phát hiện chiếc xe tải biển số 63L - 9598 do tài xế Lê Văn Hết (trú tổ 9, ấp Hòa, xã Dưỡng Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) điều khiển đang vận chuyển 400 bao phân bón.
Chi cục quản lý thị trường bắt giữ lượng phân bón không rõ nguồn gốc ở tỉnh Vĩnh Long. |
Theo thông tin ghi trên bao bì, các bao phân bón này do Công ty CP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TP.Cần Thơ) nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, hóa đơn hàng hóa mà anh Hết xuất trình là của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Á Châu Đại Thắng (TP.HCM)!
Rốt cuộc, tài xế Hết khai là nhận chở hàng của ông chủ tên Tâm, từ Khu công nghiệp Sóng Thần về huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long để tiêu thụ. Do không rõ ràng về nguồn gốc, nên Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ phương tiện vận tải và số phân bón trên chờ xử lý.
Đầu năm 2012, các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang cũng phát hiện 10 bao phân bón giả nhãn hiệu Kali 60 của Công ty TSC Cần Thơ. Đây là lượng phân bón giả được sản xuất tại TP.HCM đem xuống các tỉnh, thành ĐBSCL tiêu thụ. Từ đầu mối này, chi cục quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra các đại lý lớn trên địa bàn và phát hiện thêm 4 bao phân bón giả cùng nhãn hiệu.
Ông Nguyễn Văn Đối – Chánh Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trong tháng 3 tới, thanh tra Sở sẽ phối hợp với chi cục quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn trên địa bàn để kịp thời xử lý các cơ sở kinh doanh phân bón rởm, phân bón kém chất lượng”.
Nông dân lo lắng
Ông Trần Văn Việt - ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng canh tác 8ha lúa. Mỗi vụ lúa gia đình ông cần từ 90 - 100 bao phân các loại (mỗi bao 50kg).
Ông Việt cho biết: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu phân bón nên nông dân không biết đường nào mà lần. Những nhãn hiệu uy tín từ lâu đời thì giá tương đối cao, những nhãn hiệu mới thì nông dân không an tâm…”.
Theo ông Việt, khi không thể trả tiền mặt thì nông dân chấp nhận mua chịu với giá cao, nhưng đôi khi còn phải chịu sự “hướng dẫn” của các đại lý bắt sử dụng các nhãn hiệu mới không rõ về chất lượng với mức chiết khấu cao hơn. Khi lỡ mua phải phân kém chất lượng, phân giả thì nông dân lãnh đủ!
Còn ông Lê Văn Chiêu ở xã Vị Tân, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang canh tác 6 công mía cho biết, rất khó để phân biệt phân thật, phân rởm, chỉ khi bón mà cây trồng không phát triển tốt mới nghi ngờ chất lượng kém.
Nhiều nông dân cho rằng Nhà nước cần phải siết chặt quản lý giá cả, chất lượng phân bón để bảo vệ nông dân. Hiện nay do lượng phân bón tiêu thụ nhiều tầng nấc từ công ty đến các đại lý lớn, nhỏ ở khắp nơi đã gây khó khăn cho công tác quản lý ở các địa phương. Ngoài ra, để kiểm tra chất lượng, giá cả cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành nên công tác quản lý càng khó khăn hơn. Vì vậy, phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tiếp tục tràn lan trên thị trường suốt nhiều năm qua khiến nông dân rất lo lắng.
Hoàng Mai