Dân Việt

Cần sớm tổng kết chính sách đất đai

14/02/2012 15:50 GMT+7
(Dân Việt) - Do khuôn khổ tờ báo có hạn, chúng tôi đăng bài phỏng vấn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường như một lời kết cho loạt bài. Báo NTNN sẽ trở lại vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
img
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường

LTS: Trong thời gian khởi đăng loạt bài “Chủ trang trại lo vì thời hạn sử dụng đất”, NTNN nhận được nhiều ý kiến, tin bài đóng góp, đề xuất các giải pháp giải quyết bất cập xung quanh vấn đề hạn điền, thời hạn giao đất, của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc trong cả nước. Tuy nhiên, do khuôn khổ tờ báo có hạn, chúng tôi đăng bài phỏng vấn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường như một lời kết cho loạt bài. Báo NTNN sẽ trở lại vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

Thưa ông, qua sự việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, phải chăng đã cho thấy hoạt động thực thi pháp luật đất đai ở một số địa phương đang có vấn đề và qua đó cũng bộc lộ những bất cập trong chính sách đất đai hiện nay?

- Vấn đề đất đai trong nhiều năm qua là tiêu điểm của nhiều vụ việc phức tạp, không ít vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, chủ yếu do “đụng độ” lợi ích trong thu hồi đất giữa nông dân với các cơ quan chức năng hoặc nhà đầu tư. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do mấy nguyên nhân.

Thứ nhất, công tác quản lý của cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, chưa đúng luật, thậm chí vi phạm quy định của pháp luật. Thứ hai, trong việc thực thi pháp luật, trách nhiệm của cơ quan hoặc cán bộ quản lý còn quan liêu, không xem xét kỹ, chưa nghiên cứu thấu đáo các quy định của pháp luật cũng như tình hình thực tế, chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người bị thu hồi đất. Thậm chí, tại một số nơi cán bộ thực thi pháp luật, chính sách còn cục bộ, tham nhũng, tiêu cực dưới nhiều hình thức tinh vi.

Thứ ba, nhận thức, sự hiểu biết về chính sách, pháp luật của bản thân người dân còn hạn chế, có một số trường hợp bị kẻ xấu kích động. Thứ tư, trong quá trình thực hiện, chính sách, luật pháp đã bộc lộ những bất cập, cụ thể ở Luật Đất đai là thời hạn giao đất, hạn điền...

Không chỉ ở việc giao đất, hạn điền, mà chính sách thu hồi, đền bù đất nông nghiệp cũng đang khiến nông dân thiệt thòi?

- Chính sách thu hồi, đền bù đất nông nghiệp cho ND trong thời gian vừa qua nổi lên vấn đề là quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa được bảo đảm thỏa đáng, chưa sát với thực tế. Mức đền bù đất nông nghiệp hiện nay rất thấp và gần như không thay đổi trong nhiều năm. Đối với nông dân, đất đai không đơn giản chỉ là tư liệu sản xuất thông thường mà còn là tài sản, là thành quả cách mạng đã mang lại cho họ.

Đất đai gắn bó máu thịt, tình cảm lâu đời đối với người nông dân. Nhưng hiện nay, lợi ích của người nông dân trong thu hồi đất đai chưa được quan tâm thoả đáng. Thu hồi, đền bù cho người nông dân với giá thấp rồi chuyển qua nhà đầu tư. Thêm vào đó, trong những năm qua việc thu hồi đất ở nhiều nơi ít có sự quan tâm, chăm lo đến việc sau khi bị thu hồi đất người nông dân sẽ sinh sống như thế nào, chuyển nghề ra sao...

img
Việc giao đất 20 năm khiến các chủ trang trại không dám đầu tư lớn để ổn định sản xuất.

Trước khi sự việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng xảy ra, được biết, T.Ư Hội NDVN đã nhiều lần cảnh báo thực trạng và kiến nghị Nhà nước nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003. Vậy nội dung trọng tâm của những kiến nghị này là gì, thưa ông?

- Trọng tâm kiến nghị của T.Ư Hội NDVN xung quanh 2 vấn đề lớn là nới rộng thời hạn giao đất và hạn điền. Thời hạn giao đất 20 năm như hiện nay là ngắn. Muốn sản xuất nông nghiệp hàng hoá thì phải có quy mô lớn và phải có đầu tư lớn, việc đầu tư cũng không thể làm ngay một lúc, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài.

Trong 20 năm được giao đất thì người ND hoặc chủ trang trại mất khá nhiều thời gian để loay hoay với việc đầu tư, rồi còn thử nghiệm… thời gian còn lại không được bao nhiêu thì đã tới hạn thu hồi. Giao đất với thời hạn ngắn như thế không khuyến khích được ND và các chủ trang trại bỏ vốn đầu tư, người dân không yên tâm sản xuất.

Hội NDVN kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai với thời hạn giao đất cần nới rộng lên từ 50-70 năm. Hội cũng kiến nghị mở rộng hạn điền so với quy định hiện nay để nâng quy mô sản xuất của nông dân.

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với T.Ư Hội NDVN hồi tháng 9.2011, trong báo cáo với Tổng Bí thư, Hội đã kiến nghị nới rộng thời hạn giao đất và hạn điền. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Hội cũng tiếp tục nêu vấn đề này đề nghị Chính phủ xem xét trong quá trình sửa đổi luật...

Ông đã nhiều lần khẳng định, khó có thể CNH, HĐH đất nước thành công nếu không giải quyết được vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng có luận điểm cho rằng, một trong những cái “nút” cần tháo gỡ để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn lại là chính sách đất đai, cụ thể là cần nới rộng thời hạn giao đất và hạn điền?

- Tôi nhất trí với luận điểm này. Mục tiêu chiến lược Đảng ta xác định là CNH, HĐH đất nước. Trong tiến trình đó thì trước hết phải CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn có nhiều nội dung, nhưng cốt lõi là chuyển từ nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún, năng suất, sản lượng, hiệu quả thấp thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, quy mô lớn, năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả cao và có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.

“Thời hạn giao đất 20 năm như hiện nay là ngắn. Trong 20 năm được giao đất thì người ND mất khá nhiều thời gian đầu tư, rồi còn thử nghiệm... Thời gian còn lại không được bao nhiêu thì đã tới hạn thu hồi”.

Vậy làm thế nào để chuyển? Câu trả lời là dứt khoát phải nâng được quy mô sản suất. Thực trạng hiện nay của sản xuất nông nghiệp nước ta đa phần quy mô diện tích nhỏ với hình thức hộ gia đình. Vấn đề là phải nâng cao quy mô hơn nữa, phát triển mạnh các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp… Quy mô đến mức nào? diện tích bao nhiêu tuỳ thuộc vào điều kiện từng nơi. Quy mô diện tích đủ lớn mới tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, đưa cơ giới hoá, điện khí hoá vào sản xuất, tạo nên các vùng chuyên canh với sản lượng cao, chất lượng tốt.

Chủ trương tích tụ đất đai hiện nay đang bị “bó” bởi quy định về thời hạn giao đất và hạn điền. Việc tích tụ ruộng đất, hình thành nên những trang trại sản xuất tập trung, những vùng chuyên canh lớn được Đảng, Nhà nước khuyến khích.

Vấn đề này đã được đề cập trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư (khoá X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 được Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua. Tích tụ đất đai không tuỳ tiện mà dưới những hình thức phù hợp như cho thuê đất, góp cổ phần bằng đất, hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp...

Đi kèm với tích tụ đất đai, Nhà nước cũng cần có các giải pháp kinh tế-xã hội đảm bảo cho người nông dân có đời sống tốt hơn so với trước khi góp đất...

Kể từ năm 2001-2002, khi Bộ Chính trị chỉ đạo tổng kết 10 năm thi hành chính sách, pháp luật đất đai đến nay vẫn tồn tại 2 luồng ý kiến trái chiều. Một là Nhà nước tiếp tục kéo dài thời hạn giao đất. Hai là khi hết thời hạn thì Nhà nước rũ rối và tiến hành chia lại ruộng đất. Quan điểm của Chủ tịch về vấn đề này thế nào?

- Tồn tại 2 luồng ý kiến trái chiều về dự kiến xử lý vấn đề đất đai sau khi hết thời hạn giao đất là chuyện bình thường. Bởi, mỗi luồng ý kiến đều có mặt lợi và không lợi. Đây cũng là vấn đề dư luận quan tâm, nhất là nông dân. Nhưng bây giờ, trong tình hình hiện nay quan điểm của tôi cho rằng cần chỉ đạo tổng kết quá trình thực hiện chính sách, pháp luật đất đai một cách cẩn trọng từ năm 2002 đến nay.

Thông qua tổng kết làm rõ ưu, nhược điểm, những bất lợi, hạn chế của hạn mức và thời gian giao đất, việc thu hồi, đền bù, cách quản lý đất đai gắn với tình hình thực tế của kinh tế xã hội, những biến động về lao động, đất đai và sự phát triển của nông thôn trong thời gian qua, đặc biệt gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá trong tương lai. Kể cả tham khảo kinh nghiệm, cách quản lý đất đai của các nước tiên tiến trên thế giới để từ đó tìm ra giải pháp thích hợp.

Tôi tin rằng, Đảng, Nhà nước sắp tới sẽ điều chỉnh, bổ sung chính sách đất đai đáp ứng được yêu cầu thực tế của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…

Xin cảm ơn Chủ tịch!