Dân Việt

Thái Nguyên: Đau lòng bác sĩ đột quỵ vì làm việc quá sức

Cẩm Nhung 18/09/2019 14:44 GMT+7
Bác sĩ Dương Ngọc Toàn (38 tuổi) - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện A Thái Nguyên là một trong những bác sĩ giỏi của bệnh viện, không may bị đột quỵ hôn mê 3 tháng. Hiện anh Toàn vẫn đang phải điều trị nội trú tại chính nơi anh đang công tác.

Làm việc quá sức

Ngày 21/5, Bác sĩ Dương Ngọc Toàn (38 tuổi) – Phó Khoa Cấp cứu bệnh viện A Thái Nguyên được phát hiện trong tình trạng hôn mê, mặt tím tái, tay chân co giật tại nhà vệ sinh của bệnh viện. Các bác sĩ điều trị kết luận, bác sĩ Toàn bị hạ kali máu do nhịn ăn thường xuyên và làm việc quá sức. Sau 3 tháng điều trị, chăm sóc, hiện nay anh Toàn đã tỉnh và đang trong quá trình khôi phục nhận thức. Tuy nhiên, theo đánh giá của các bác sỹ khả năng phục hồi hoàn toàn là rất thấp.

img

Từ khi ngã bệnh, bác sĩ Dương Ngọc Toàn gầy sọp, tay chân co quắp. (Ảnh: Người nhà cung cấp)

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Hoàng Ngọc Khâm – Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ: Khi được phát hiện, bác sĩ Toàn đã có dấu hiệu ngừng tim. Ngay sau đó, anh em đồng nghiệp đã khẩn trương sơ cứu ép tim cho Toàn và đặt ống thở oxy rồi đưa Toàn về Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, cũng may Toàn thoát khỏi cơn nguy kịch.

Bây giờ mỗi khi vào thăm Toàn, nói với cậu ấy là nhanh khỏe đi có mình tôi trực mệt lắm là thấy Toàn mấp máy môi, chắc nghe thấy và hiểu được. Hiện nay, chúng tôi dự định sẽ cấy tế bào gốc cho Toàn, kinh phí một lần cấy lên đến vài trăm triệu, với tình trạng của Toàn sẽ phải cấy 3-4 lần”.

Khó khăn chồng khó khăn

Bố mẹ bác sĩ Toàn đều làm ruộng và tham gia hoạt động công tác xã hội, giờ nghỉ hưu tiền lương hưu cũng chỉ tạm đủ sinh hoạt hàng ngày cho gia đình. Vợ anh cũng đang công tác tại bệnh viện A Thái Nguyên.

Hai anh chị đã có một cháu năm nay học lớp 6, giờ bố bệnh nằm viện nên bé cũng rất cố gắng tự giác để phần nào phụ đỡ ông bà và mẹ. Nhà vốn đã chẳng khá khẩm nay lại cần thêm kinh phí để điều trị, chăm sóc phục hồi cho bác sĩ Toàn, khiến hoàn cảnh gia đình anh càng thêm khó khăn.

Để chi trả tổng chi phí cho 2 lần phẫu thuật mở khí quản và mở thông dạ dày cùng các khoản viện phí nội trú chăm sóc phục hồi hậu phẫu,  gia đình anh phải đi vay ngân hàng và vay mượn người thân, họ hàng mỗi người một ít.

Ban ngày, mẹ anh Toàn là bà Nguyễn Thị Vừng (68 tuổi) phải túc trực bên giường bệnh để chăm sóc cho anh ăn cháo, uống thuốc đúng giờ, đến đêm mới có người thân, họ hàng vào trông thay cho bà nghỉ.

img

Bà con nơi cư trú thường xuyên đến thăm hỏi bác sĩ Toàn

Mẹ anh Toàn cho biết: “Thời gian đó, do một vài bác sĩ xin nghỉ, bệnh viện thiếu người nên Toàn phải trực đêm thường xuyên, lại thêm chủ quan về sức khỏe, ăn uống không đủ bữa. Làm mẹ thấy con như vậy nhưng cũng chỉ biết nhắc nhở con phải lo cho sức khỏe của bản thân chứ là bác sĩ, công việc vất vả cũng phải chịu.

Toàn bây giờ bắt đầu nhận ra người thân quen rồi, nhưng chưa phát ra tiếng được. Ví dụ chỉ vào người quen hỏi ai đây thì cháu chỉ cử động miệng, nhìn miệng cháu cũng đoán cháu nói tên người ta”.

img

Giai đoạn đầu, bác sĩ Toàn chưa thể ăn uống bình thường, phải lắp ống thông để truyền trực tiếp vào dạ dày

Nhẽ ra đến tầm tuổi này, bố mẹ anh Toàn đã có thể sống vui vẻ bên con cháu thì sự việc không may lại xảy đến. Cô Vừng nghẹn ngào tâm sự: “Giờ tôi cũng chả biết sẽ còn tốn kém bao nhiêu nữa, mà thực ra cũng chưa dám nghĩ đến. Họ hàng, người thân có người nói là cho cháu nhưng tôi cũng chưa có tâm trạng suy nghĩ nhiều đến việc ấy. Giờ cũng chỉ biết cố gắng chăm sóc, chỉ mong cho con bình phục đã còn lo được đến đâu hay tới đó thôi”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ bác sĩ Dương Ngọc Toàn