Hơn 25.000 hộ thoát nghèo
Giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì thế nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm đến công tác giảm nghèo, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng, hộ nghèo của tỉnh tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20% số hộ dân cư, nhưng chiếm tới 60% hộ nghèo của tỉnh, hầu hết các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Anh K’Brooke là tấm gương điển hình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại xã Gung Ré, huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ảnh: V.L
Thời gian qua, từ nguồn kinh phí 1,3 tỷ đồng, Lâm Đồng đã hỗ trợ đào tạo 23 lớp nghề cho gần 600 học viên với các nghề như sửa chữa xe máy, gò hàn, trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ đó tạo ra thêm nhiều việc làm, sinh kế cho người nghèo. |
Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, kết quả giảm nghèo đã chuyển biến rõ rệt. Năm 2014, Lâm Đồng có 36 xã đặc biệt khó khăn, nhưng đến năm 2018 chỉ còn 11 xã đặc biệt khó khăn. Như vậy, trong 5 năm, địa phương đã có 25 xã thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn. Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng, nếu như đầu năm 2011 số hộ nghèo toàn tỉnh là 34.578 hộ, thì đến cuối năm 2018 toàn tỉnh còn 9.046 hộ nghèo, tức là có hơn 25.000 hộ thoát nghèo. Những con số này cho thấy tính hiệu quả, bền vững trong việc triển khai chương trình giảm nghèo ở địa phương.
Bà Lê Thị Thêu - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng cho biết, các địa phương có mức giảm nghèo cao trong 3 năm gần đây là TP.Đà Lạt và các huyện Cát Tiên, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương.
Tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực trong tỉnh còn chênh lệch, tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn cao, đời sống của nhiều hộ nghèo còn thiếu thốn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo còn hạn chế. Trong khi đó việc huy động nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, nhất là huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đặc biệt, tình trạng di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến phá rừng làm rẫy trái phép trong rừng sâu đã tạo áp lực lớn trong công tác giảm nghèo gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Lồng ghép các chương trình, dự án
Theo bà Lê Thị Thêu, trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, chính sách để đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Sở LĐTBXH sẽ triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung như y tế, giáo dục, dạy nghề, vay vốn ưu đãi, nhà ở…
Từ đó, từng bước cải thiện điều kiện sống, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của nhóm nghèo nhất, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tỉnh sẽ lồng ghép hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo bền vững nhằm tạo ra việc làm, thu nhập cho người nghèo thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, không huy động đóng góp của các gia đình nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Cũng theo bà Lê Thị Thêu, đối với hộ vừa thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì cần tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ thông qua ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ đất sản xuất...
Với các giải pháp trên, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn dưới 1,9%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 4,8%, đồng thời đưa huyện Đam Rông thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (huyện 30a).