Dân Việt

Tần Thủy Hoàng đã tạo ra đội quân "bách chiến bách thắng" bằng 4 chữ gì?

PV 18/09/2019 10:31 GMT+7
Chỉ với mệnh lệnh vỏn vẹn có 4 chữ, Tần Thủy Hoàng đã khiến cho binh khí của nước Tần ở một đẳng cấp khác hẳn so với các nước còn lại.

Hé lộ dàn vũ khí đáng ngưỡng mộ của quân đội Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Nhờ tài thao lược, dụng binh của ông, Trung Quốc mới quy về một mối.

Một trong những yếu tố giúp Tần Thủy Hoàng tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 TCN, là nhờ vào dàn vũ khí đáng kinh ngạc của ông. Vì lẽ gì mà ông có trong tay binh khí tuyệt vời đến vậy? Hãy cùng lật mở vấn đề.

Cùng với việc phát hiện ra đội quân đất nung hàng ngàn chiến binh thì các các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy hơn 40.000 hiện vật được cho là công cụ, vũ khí trong chiến tranh được chôn cùng với lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Tất nhiên chúng sẽ được nghiên cứu kĩ lưỡng và quả thực kết quả đã không khiến các nhà khoa học thất vọng. Những đặc điểm sau là nguyên nhân cho sự ưu việt của vũ khí dưới thời Tần Thủy Hoàng.

img

Những vũ khí và phụ kiện đi kèm được tìm thấy cùng đội quân đất nung (Ảnh: Sohu.com)

Đầu tiên, những binh khí này có "nguyên liệu" chế tác khác biệt so với các binh khí bằng đồng của những quốc gia lân cận. Cụ thể, chúng được thêm chất liệu là thiếc trong quá trình đúc luyện. Nhờ có sự pha trộn thích hợp các tỉ lệ đồng với thiếc, các mũi tên, mũi giáo, kiếm đồng của quân Tần có sự cứng cáp hơn hẳn so với quân đội các đối thủ.

Thứ hai, theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ với những mũi tên được trang bị cùng trong đội quân đất nung thì chúng cũng khác biệt so với các nước khác trong thời Chiến Quốc. Mũi tên của quân Tần là hình tam giác nhưng được đúc 3 mặt trong khi mũi tên nói chung thời chiến quốc chỉ được đúc hình tam giác với 2 mặt.

Điều này giúp tên bay chính xác hơn, sức sát thương cao hơn bởi chúng sẽ chống lại được phần nào lực cản của gió . Hơn nữa, các cạnh sắc của mũi tên cũng được gia công với độ cong hoàn hảo thậm chí có phần rất giống với độ cong của đầu những viên đạn hiện đại ngày nay.

img

Cận cảnh đầu mũi tên trong quân đội Tần Thủy Hoàng (Ảnh: Sohu.com)

Thứ ba, các phụ kiện đi kèm vũ khí như chuôi gắn mũi tên, giáo,... cũng được làm cẩn thận và đồng nhất kích cỡ các loại để dễ dàng thay thế, hoán đổi cho nhau. Nói cách khác nếu một mũi giáo bị hỏng, có thể tháo chuôi ra và lắp với một mũi giáo khác trong trường hợp mũi giáo đó đã mất hoặc hỏng chuôi.

Điều này thực sự đã giúp quân đội nhà Tần tiết kiệm được rất nhiều và tạo điều kiện cho họ sản xuất được số lượng binh khí đã tốt còn nhiều hơn.

Mệnh lệnh bốn chữ cực kỳ nghiêm khắc của Tần Thủy Hoàng

Có nhiều yếu tố để Tần Thủy Hoàng càn quét vùng Trung nguyên, nhất thống thiên hạ. Một trong số đó là sự vượt trội về vũ khí.

Binh khí nước Tần trở nên vượt trội trong cuộc chiến thống nhất Trung Hoa chính là nhờ một "mệnh lệnh" của Tần Thủy Hoàng áp dụng cho tất cả những ai tham gia vào quá trình sản xuất. "Mệnh lệnh" này chỉ có bốn chữ "Vật Lặc Công Minh".

"Vật Lặc Công Minh" có nghĩa là vật (ở đây là binh khí) phải được khắc tên người chịu trách nhiệm chế tạo ra nó. Từng mũi giáo, cung tên, áo giáp phải được ghi danh người chế tạo ra nó. Điều này được khẳng định trong bộ sách "Lã Thị Xuân Thu" của thừa tướng nhà Tần là Lã Bất Vi.

Sở dĩ như vậy là bởi việc ra mệnh lệnh là của Tần Thủy Hoàng nhưng việc truyền đạt và đưa nó vào thực tiễn để các cấp binh sĩ thực hiện là trách nhiệm của thừa tướng Lã Bất Vi.

img

Một vật phẩm thời xưa được khắc tên những người tham gia các quá trình chế tác (Ảnh: kknews.cc)

Tần Thủy Hoàng yêu cầu tất cả binh khí sẽ dành một góc hoặc phần nhỏ khắc tên của người đã làm ra nó. Đây là cách để truy cứu trách nhiệm nếu các binh khí, đồ dùng quân đội bị phát hiện kém chất lượng, không đạt yêu cầu. Nếu một sản phẩm trở nên kém bền, dễ hỏng thì các cấp chỉ huy sẽ không khó để tra tên thợ thủ công trên chính sản phẩm đó.

Hình phạt cho việc này thường rất nặng, đa phần là phải chịu lưu đầy hoặc chém đầu. Vì thế, mỗi người thợ rèn binh khí hay người kiểm tra sản phẩm đều phải vô cùng cẩn thận, thực sự toàn tâm toàn ý trong quá trình làm việc nếu không họ sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Điều này tuy hà khắc nhưng thực tế là hữu dụng trong thời chiến, bởi nếu binh khí kém chất lượng thì người chết trên trường sẽ là binh sĩ mặc dù lỗi là ở người chế tạo trước đó.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến hàng ngàn người thợ thủ công bị giết vì không làm tốt nhiệm vụ của mình.

img

Lưỡi từ một ngọn mác, loại binh khí bộ binh phổ biến thời xưa (Ảnh: dkn.tv)

Chính nhờ quy chuẩn chung đồng nhất trong chế tạo cũng như các quy tắc thưởng phạt này mà trong số những binh khí được tìm thấy ở khu vực các chiến binh đất nung có độ chính xác đáng kinh ngạc.

Sai số giữa các binh khí cùng loại chỉ rơi vào khoảng 0,2mm tới 0,8mm. Ở thời cổ đại chưa có các công cụ hay máy móc công nghiệp mà mọi thứ chỉ làm thủ công thì đó thực sự là một kỳ tích.

Theo bộ phim tài liệu của đài truyền hình CCTV có tên "Phục hoạt quân đoàn" (tức tái hiện lại cơ cấu hoạt động của quân đội thời xưa) nói "từ sự giám sát, giúp đỡ của chính quân đội thì các chuyên gia, thợ thủ công có tay nghề đến thợ thủ công đơn giản sẽ phải chịu trách nhiệm cho từng bước, từng phần của sản phẩm vũ khí thông qua những cái tên được khắc kèm.

Chưa có nghiên cứu sâu hơn về các quản lý này nhưng có một điều chắc chắn là pháp trị của nhà Tần rất khắc nghiệt và cách thức theo dõi này rất hiệu quả cũng như hoàn chỉnh."

Sau này, các triều đại tiếp theo của Trung Quốc cũng đã học tập và áp dụng để đảm bảo tinh thần trách nhiệm, sự hoàn thiện của các sản phẩm không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trong các lĩnh vực khác.