Ngày 16/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện giải quyết tình trạng một số đối tượng lợi dụng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em để tổ chức hoạt động lang thang bán hàng rong, xin ăn.
Tổ chức điều tra, phát hiện, xử lý các đối tượng “chăn dắt”, trục lợi người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác để tổ chức hoạt động lang thang bán hàng rong, xin ăn, theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, giao UBND 24 quận, huyện tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa người dân đi lang thang xin ăn, rà soát nắm tình hình, đời sống của những người có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với những người này.
Chủ trương giải quyết dứt điểm tệ nạn đã được chính quyền TP.HCM thực hiện từ nhiều năm qua như: Lợi dụng trẻ em, người già, người khuyết tật để tổ chức ăn xin. Ngày 18/12/2014, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND về việc quản lý người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn TP.HCM.
Hình ảnh trẻ em xin tiền trên đường phố ở TP.HCM rất phổ biến. Ảnh: T.L
Theo ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM, cuối tháng 8/2019 vừa qua, Sở LĐTBXH cũng tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu các quận – huyện thực hiện quản lý người ăn xin, người không có nơi cư trú ổn định… “Trong đó, Sở cũng khuyến cáo người dân không nên trực tiếp đưa tiền cho người ăn xin. Sự giúp đỡ nên thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức từ thiện của TP”, lãnh đạo Sở LĐTBXH TP cho Dân Việt biết.
"Bởi, nếu cho tiền trực tiếp, với tấm lòng hào hiệp của người dân thành phố thì “thu nhập” từ việc ăn xin có thể rất lớn, từ đó mà người già, trẻ em, người tàn tật có thể bị lợi dụng, bị chăn dắt. Không những thế, sẽ có những người từ địa phương khác kéo về thành phố để “hành nghề” ăn xin…", ông Tấn nói thêm.
Đặc biệt, từ năm 2014, Sở LĐTBXH đã lập đường dây nóng, phối hợp với các cơ quan liên quan, tập trung những người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định. Nếu là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần, thì đưa về Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần, các đối tượng khác đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội để quản lý.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc quản lý các đối tượng ăn xin như “bắt cóc bỏ đĩa”, không thể dứt điểm trong một sớm một chiều. Thậm chí, có lúc, có giai đoạn lại “bùng nổ”, trở thành hiện tượng phổ biến như hiện nay, và lãnh đạo UBND TP lại cảnh báo, chỉ đạo rà soát, giải quyết.
Người lớn khoẻ mạnh cũng "ăn xin" ở một góc phố quận 5, TP.HCM. Ảnh: T.L
TS.Trần Văn Thuận (Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng: "Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM đưa ra chỉ đạo chấm dứt tệ nạn “ăn xin”. Nhưng tại sao tệ nạn này vẫn tràn lan, dai dẳng? Việc đó nói lên rằng, TP.HCM chưa có biện pháp hiệu quả trong việc xử lý tệ nạn này. Việc khuyến cáo không cho tiền người ăn xin, cũng không phải là biện pháp căn bản xử lý dứt điểm tệ nạn ăn xin”.
Theo ông Thuận, phải kiên quyết chặn đứng, xử lý thật nghiêm những cá nhân, đường dây chăn dắt có tổ chức, trục lợi trên người già, trẻ em, người khuyết tật để ăn xin, làm xấu xí phố phường.
Bà Dương Thị Cẩm Hồng – Chủ tịch UBND phường Tân Phú, quận 7 – nói: “Có không ít người, qua giáo dục, đào tạo nghề tại trung tâm của Sở LĐTBXH nhưng khi được đưa về địa phương, họ lại tiếp tục trở lại chỗ cũ để… xin tiền. Chúng tôi nỗ lực vận động, họ không nghe, thành ra việc tập trung người ăn xin năm nào cũng làm đều đặn, nhưng vẫn cứ luẩn quẩn “bắt cóc bỏ đĩa”. Chưa nói, rất nhiều người ăn xin ở TP.HCM là người ở các tỉnh, thành khác nên quản lý số người này, quả thật không xuể”.