“Công khai dịp này là tốt nhất!”
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho biết: Toàn bộ chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức thành công, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của thủ đô với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Lát vỉa hè phố Lê Thái Tổ (Hà Nội) phục vụ cho Đại lễ |
Phiên thảo luận diễn ra vào buổi chiều 7-12, ngoài góp ý cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011, vấn đề sôi nổi nhất được các đại biểu nêu tại hội trường là nội dung 1000 năm Thăng Long. Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, bên cạnh những thành công, kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Trong quá trình chuẩn bị pháo hoa phục vụ đêm hội văn hóa nghệ thuật do sơ suất đã để xảy ra sự cố kỹ thuật về an toàn lao động gây thiệt hại về người và tài sản, tác động đến tâm lý nhân dân. Sự cố ùn tắc giao thông đêm 10-10 tại Mỹ Đình, việc tổ chức đưa đón các đại biểu khách mời bị ảnh hưởng.
Đại biểu Trần Trọng Hanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện các khoản chi phí phục vụ Đại lễ 1000 năm đang được tiến hành quyết toán. Nếu công khai được cho người dân biết trong dịp này là tốt nhất, vấn đề này cần phải công khai, dân chủ. Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Vũ Đức Tân - quận Ba Đình nói thêm: Theo tôi, một số việc không đáng thực hiện trong Đại lễ như có vỉa hè mới lát gạch cách đây 3-4 năm, giờ lại bóc lên làm lại là lãng phí công sức, thời gian và tiền bạc…
Ba vấn đề của kinh tế thủ đô
Phát biểu tại Kỳ họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đưa ra 3 vấn đề trọng tâm cần giải quyết để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chủ trương và sự chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch xây dựng thủ đô... Phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế của thành phố ở mức bình quân hàng năm từ 12% trở lên.
Thứ hai, tiếp tục gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội phải hài hòa với phát triển kinh tế; quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn và một số việc liên quan khác.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi nhất cho nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết dứt điểm các vấn đề xã hội bức xúc...
Thanh Xuân - Bùi Thị Anh