"Arab Saudi cần đưa ra quyết định khôn ngoan giống như Iran mua hệ thống S-300, hay Tổng thống Erdogan quyết định chọn tên lửa phòng không S-400 từ Nga. Những hệ thống này có khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng của Arab Saudi khỏi các cuộc tấn công", Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/9.
Tuyên bố được ông chủ Điện Kremlin đưa ra sau khi phóng viên hỏi về vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới của Arab Saudi. Tổng thống Putin cũng nhắc tới chiến dịch quân sự tại Yemen do Arab Saudi dẫn đầu và trích dẫn kinh Quran, trong đó cho rằng hình thức bạo lực hợp pháp duy nhất là tự vệ, khẳng định hệ thống S-400 đáp ứng được điều này.
Xe phóng thuộc hệ thống S-400 được Nga triển khai năm 2018. Ảnh: Reuters.
Vụ tấn công hai nhà máy sản xuất dầu của tập đoàn Aramco ở Abqaiq và Khurais, đông bắc Arab Saudi hôm 14/9 buộc nước này ngừng chuỗi cung cấp dầu thô và khí đốt lên tới 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương 50% tổng sản lượng của Arab Saudi và gây sụt giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu.
Phiến quân Houthi tại Yemen thừa nhận thực hiện vụ tấn công bằng 10 máy bay không người lái. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy trách nhiệm cho Iran, quốc gia bị cáo buộc hậu thuẫn phiến quân Houthi, nhưng Tehran bác bỏ.
Việc các cơ sở lọc dầu có tầm quan trọng chiến lược bị tấn công đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực phòng không của Arab Saudi và các đồng minh, đặc biệt là Mỹ. Không có dấu hiệu nào cho thấy các lực lượng phòng không trong khu vực nhận biết được mối đe dọa hay có động thái đánh chặn, dù hai nhà máy nằm cách Bahrain, nơi đồn trú của Hạm đội 5 hải quân Mỹ, khoảng 50 km và cũng ở rất gần hàng loạt căn cứ không quân của Washington tại Trung Đông.
Quân đội Arab Saudi cũng bị bất ngờ, cho thấy lưới phòng không của Arab Saudi vẫn tồn tại nhiều "lỗ hổng" nghiêm trọng, dù nước này được trang bị nhiều hệ thống phòng không và tiêm kích hiện đại nhất do đồng minh Mỹ phát triển.