Dân Việt

Bệnh viện quốc tế nhưng bác sỹ lại từ... bệnh viện công (Kỳ 2)

Khải Huyền 17/09/2019 15:10 GMT+7
Tiếp theo loạt bài “Ồ ạt tự phong bệnh viện quốc tế”, trong kỳ 1 phóng viên Dân Việt đã có khảo sát một số bệnh viện, phòng khám mang mác “quốc tế” tại Hà Nội. Còn tại TP.HCM, nhiều bệnh viện, phòng khám có gắn mác “quốc tế” nhưng thực tế bác sỹ, nhân viên y tế đều phải hợp tác, “thuê” từ các bệnh viện công.

Chỉ cần gõ cụm từ “bệnh viện quốc tế” trên Google, có hơn 91,5 triệu kết quả hiện ra chỉ sau 1 giây tìm kiếm. Danh sách 10 bệnh viện quốc tế được cho là uy tín nhất tại TP.HCM cũng đầy rẫy các trang mạng, với những lời quảng cáo rất ngọt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu xét theo tiêu chuẩn của Tổ chức đánh giá chất lượng y tế hàng đầu thế giới JCI, Việt Nam hiện có 4 bệnh viện được cấp chứng nhận đủ chuẩn quốc tế của JCI. Đó là Bệnh viện mắt Cao Thắng (TP.HCM), Bệnh viện FV (TP.HCM), Bệnh viện Quốc tế Vinmec - Central Park (TP.HCM) và Bệnh viện Quốc tế Vinmec - Times City (Hà Nội) (danh sách có thể chưa cập nhật đủ-NV).

Trên thực tế, TP.HCM có hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh quốc tế, từ các bệnh viện đến phòng khám, từ chuyên khoa đến đa khoa. Có thể kể đến như Bệnh viện Sản phụ - Nhi quốc tế Hạnh Phúc (quận 1), Bệnh viện Khoa ngoại Thần kinh quốc tế (quận Tân Phú), Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (quận Bình Tân), các phòng khám như Phòng khám đa khoa quốc tế Sài Gòn, Phòng khám đa khoa quốc tế Hàng Xanh (quận Bình Thạnh)…

Dù có tên gọi là bệnh viện/phòng khám quốc tế nhưng theo khảo sát của phóng viên, đội ngũ y bác sỹ của các cơ sở khám chữa bệnh này đa phần được quảng bá, giới thiệu là các bác sỹ đến từ bệnh viện công trong nước nổi tiếng như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115…

img

Nhiều bệnh viện/phòng khám quốc tế quảng cáo có đội ngũ y bác sỹ được thuê từ nhiều bệnh viện công nổi tiếng trong nước và tại TP.HCM, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh minh họa). 

Như tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế M.A (địa chỉ tại quận Bình Tân, TP.HCM), theo như giới thiệu, bệnh viện hiện có sự hợp tác chặt chẽ với đội ngũ bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện uy tín như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Triều An... luôn sẵn sàng tham gia hội chẩn, điều trị hoặc mời theo yêu cầu của bệnh nhân.

“Không những vậy, Bệnh viện quốc tế M.A còn liên tục tổ chức những lớp huấn luyện tại chỗ, đào tạo y khoa liên tục, hội thảo chuyên đề nhằm cập nhật những kiến thức mới nhất cho y, bác sĩ, nhân viên. Hàng năm nhân viên tại bệnh viện được cử đi học nâng cao trình độ ở các cở sở đào tạo y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Chúng tôi cũng tiếp nhận thực tập sinh y khoa, quản trị bệnh viện từ các trường Quang Trung, Đại Việt, Hùng Vương đến thực tập tốt nghiệp”, Bệnh viện M.A giới thiệu về đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện.

Hay như tại Bệnh viện quốc tế H.P, đội ngũ bác sỹ từ Hội đồng y khoa cho đến các khoa đều là bác sỹ trong nước, được bệnh viện giới thiệu là “nhiều năm kinh nghiệm, đến từ các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam như bệnh viện Từ Dũ, Nhi Đồng, Phụ sản Quốc tế Sài Gòn…”.

“Quốc tế” là quốc tế nào?

Trong bài trước, như Dân Việt đã đề cập, hiện ngành y không có quy định về “bệnh viện quốc tế”. Các bệnh viện có chăng là đạt tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh hoặc một chỉ tiêu cụ thể, một khoa, phòng… của bệnh viện được chứng nhận đạt chuẩn theo yêu cầu của ngành y tế các nước (như Mỹ, Đức, Hàn Quốc...).

img

Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM. (Ảnh minh họa)

Chương IV, mục 1, điều 41 của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 quy định: Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Bệnh viện; Cơ sở giám định y khoa; Phòng khám đa khoa; Phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình; Phòng chẩn trị y học cổ truyền; Nhà hộ sinh; Cơ sở chẩn đoán; Cơ sở dịch vụ y tế; Trạm y tế cấp xã và tương đương; Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác.

Còn Điều 81 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ, hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnhbao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Còn theo Điều 22, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP về Cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải theo một trong các hình thức tổ chức gồm: Bệnh viện (bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa), bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, Phòng chẩn trị y học cổ truyền, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, Phòng xét nghiệm, Phòng khám chẩn đoán hình ảnh, Phòng X-Quang…

img

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (Ảnh minh họa).

Như vậy, hiện chưa có quy định nào về việc cấp phép hoạt động cho các “bệnh viện quốc tế” như trên thực tế hiện nay. Một chuyên gia trong ngành y tế cho rằng, nguyên nhân của việc tràn lan các bệnh viện gắn “mác” quốc tế hiện nay là do nhu cầu, tâm lý sính ngoại của người bệnh. Đồng thời, việc quản lý, xếp hạng các cơ sở khám chữa bệnh của cơ quan chức năng chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Theo vị chuyên gia này, muốn đánh giá chất lượng của một cơ sở y tế, phải dựa vào một số nhóm tiêu chí là lực lượng thầy thuốc, bác sĩ, nhân viên điều trị, hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, chất lượng thuốc men và quy trình điều trị của cơ sở y tế đó…

Còn theo một bác sỹ đa khoa, hiện nay, các cơ sở y tế đều phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế về phác đồ điều trị. Nếu một bệnh viện hay cơ sở khám bệnh của quốc gia khác đến Việt Nam hoạt động cũng phải qua kiểm tra và được Bộ Y tế cấp phép. Vì đó mới có chuyện, một số bệnh nhân sau khi ra nước ngoài khám, chữa bệnh thì quay về Việt Nam nhập viện và yêu cầu bác sỹ Việt Nam sử dụng toa thuốc của nước ngoài kê trước đó. Tuy nhiên, bác sỹ Việt Nam không thể đồng ý, vì mọi phác đồ điều trị đều phải theo quy định chung.

Để làm rõ các vấn đề liên quan đến “bệnh viện quốc tế” tự phong ở TP.HCM, PV báo NTNN/Dân Việt đã gửi công văn sang Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu cung cấp các thông tin như danh sách các bệnh viện quốc tế được cấp phép, các căn cứ để một cơ sở khám chữa bệnh được treo biển là “bệnh viện quốc tế”, quy định về xử lý các cơ sở gắn mác quốc tế nhưng không đủ tiêu chuẩn nếu có…

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn nửa tháng gửi công văn báo NTNN/Dân Việt vẫn chưa nhận được phản hồi từ Sở Y tế TP.HCM. Đây là sự im lặng rất khó hiểu của cơ quan chức năng quản lý về lĩnh vực y tế trên địa bàn TP (?)