Chiều nay (17/9), mở đầu cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thông tin: "Sẽ có hai nội dung chính..., trong đó, nội dung thứ hai UBND TP.Hà Nội và các sở, ngành liên quan sẽ thông tin liên quan đến vụ cháy tại Công ty Rạng Đông".
Liên quan đến vụ cháy kho xưởng của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Hà Nội, Bộ tư lệnh hoá học, Công ty cổ phần môi trường đô thị và Công nghiệp (Urenco 10) cùng một số chuyên gia đã họp bàn phương án xử lý môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.
Số liệu từ cuộc họp cho hay, trong số 65 tấn chất phế thải đã được chuyển khỏi nhà máy có hơn 11 tấn vật tư bán thành phẩm bóng đèn huỳnh quang; hơn 33 tấn thành phẩm bóng đèn tàn dư sau cháy; gần 20 tấn phế liệu kim loại.
Đông đảo phóng viên báo chí đến dự, đưa tin cuộc họp. (Ảnh: Thành An)
Urenco 10 dùng xe chuyên chở chất thải nguy hại, được cấp phép của Bộ Tài nguyên Môi trường để đưa phế thải đến bãi xử lý, hiện vị trí tập kết chất thải chưa được công bố; dự kiến việc này hoàn thành trước ngày 25/9.
Các bên liên quan đã ký biên bản thông qua công tác tiêu tẩy của Bộ tư lệnh Hoá học; phương án phá dỡ, vận chuyển của Urenco 10 và thời gian tới sẽ lập hội đồng khoa học đánh giá phương án xử lý chất thải.
Cùng ngày, Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 150 người cùng trên 30 phương tiện tiếp tục nhiệm vụ tại nhà máy Rạng Đông. Công tác tiêu tẩy được bắt đầu từ hôm 12/9. Sở chỉ huy tại hiện trường được Binh chủng Hoá học thiết lập do Đại tá Nguyễn Xuân Đỉnh, Phó tham mưu trưởng Binh chủng làm chỉ huy.
Lực lượng chức năng đang khắc phục sau vụ cháy ngày 16/9. (Ảnh: Thành An)
Đến nay, các đơn vị đã tổ chức quan trắc trinh sát toàn bộ nhà máy và khu vực liên quan, thu gom được 400 bao tải vật liệu đã bị cháy trên diện tích khoảng 650 m2 mặt bằng nhà xưởng; dọn dẹp hiện trường giải phóng mặt bằng, bảo vệ an ninh khu vực.
Lực lượng quân đội cũng đã phun 4.600 lít dung dịch (làm sạch hóa chất) lên sắt, thép trước khi vận chuyển đến nơi quy định.
Ngày 29/8, một ngày sau khi xảy ra vụ cháy, lãnh đạo UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) ra thông báo khuyến cáo người dân trên địa bàn về nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực quanh vụ cháy. Nhưng điều ngạc nhiên, ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi văn bản này vì ra không đúng thẩm quyền, không đủ cơ sở.
Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, văn bản đó gây hoang mang cho người dân, bởi theo kết quả kiểm tra nhanh của các cơ quan chức năng thuộc Sở TN&MT, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế)... thì các chỉ số môi trường đều ở ngưỡng an toàn.
Lạ ở chỗ, chính lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phủ nhận kết quả công bố của quận Thanh Xuân.
Toàn cảnh hiện trường sau vụ cháy. (Ảnh: Thành An)
Ngày 31/8, Sở TN&MT Hà Nội có báo cáo nhanh gửi Thành ủy, UBND thành phố và Bộ TN&MT tình hình khắc phục sự cố môi trường, khẳng định, kết quả test nhanh thông số thủy ngân tại 5 vị trí (mẫu đất tại vườn hoa nhà máy, mẫu đất tại rìa vườn hoa trung tâm, mẫu đất tại gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy) cho thấy nồng độ thủy ngân tại các vị trí trên đều bằng 0mg/m3 (microgam/mét khối).
Ngày 4/9, tại cuộc họp báo Chính phủ, lãnh đạo Bộ TN&MT thông tin kết quả quan trắc sau vụ cháy cho thấy, 1/12 mẫu nước mặt được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế (mẫu nước sông Tô Lịch, đoạn ngõ 320 Khương Đình- cống xả thải của nhà máy Rạng Đông); 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn. Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.
Cho đến nay, hơn 20 ngày sau khi vụ cháy xảy ra, dù Hà Nội nhiều lần tái khẳng định môi trường sau vụ cháy là an toàn, nhưng nhiều người dân quanh khu vực xảy ra vụ cháy vẫn phải di tản, đi thuê trọ ở nơi khác. Hàng nghìn người dân cũng đi khám sức khỏe tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, các lực lượng chức năng đang tiến hành tẩy độc toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy.