Trần Di Ái: Chú vua Trần Thánh Tông
Năm 1281, hoàng đế nhà Nguyên đòi vua Trần Nhân Tông phải sang chầu, vua Trần lấy cớ khước từ không sang, hoàng đế Nguyên gửi thư nói: “Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải đưa vàng ngọc sang thay, và phải nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo mỗi hạng 2 người".
Nhà Trần có những người quyết chống giặc đến cùng để bảo vệ Giang Sơn, cũng có kẻ sợ hãi đầu hàng giặc. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả).
Thượng hoàng Trần Thánh Tông liền đưa chú của mình là Trần Di Ái cùng Lê Tuân và Lê Mục sang thay. Nhưng hoàng đế Nguyên không bằng lòng, muốn lập ngay bộ máy cai trị Đại Việt, bèn xuống chỉ lập tòa Tuyên phủ ti, đặt quan liêu thuộc để sang giám trị các châu huyện. Thế nhưng khi quan nhà Nguyên đến nơi, nhà Trần không chấp nhận và đuổi về.
Hoàng đế Nguyên tức tối bèn phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, phong cho Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm Thượng thư rồi đưa về nước cùng lá thư cho vua Trần: “Ngươi cáo bệnh không vào chầu, nay cho người được nghỉ để thuốc thang điều dưỡng. Ta lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm quốc vương An Nam cai quản dân chúng”
Trần Di Ái cũng mừng thầm, hy vọng dựa vào sức mạnh của quân Nguyên thì mình sẽ được làm vua, còn nếu không được thì sẽ viện lý do bị ép. Hoàng đế Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Bột Nham Thiết Mộc Nhi cùng Sài Thung đưa 1.000 quân cùng Trần Di Ái về nước.
Khi Trần Di Ái đến ải Nam Quan, tin lập tức báo về kinh thành. Vua Trần Nhân Tông sai tướng đón đánh đội quân này, quân Nguyên bị đánh tan, Sài Thung bị trúng tên mù một mắt. Trần Di Ái bị bắt sống đưa về triều, được tha tội chết nhưng phải làm lính hầu ở phủ Thiên Trường, suốt đời không dám ngẩng mặt lên nhìn ai.
Trần Kiện: Cháu nội vua Trần Thái Tông
Năm 1285, nhà Nguyên đem quân xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Phía Bắc Thoát Hoan cùng A Lý Hải Nha thống lĩnh 50 vạn đại quân tiến sang.
Lúc này cánh quân 20 vạn của Toa Đô bị sa lầy ở Chiêm Thành được lệnh từ phía Nam tiến đánh vùng Thanh Hóa – Nghệ An. Tháng Giêng năm 1285, Trấn thủ Thanh Hóa là Trần Kiện (con Trần Quốc Khang, cháu nội vua Trần Thái Tông) đem toàn gia quyến đầu hàng. Trần Kiện cũng chỉ điểm cho quân Nguyên khiến quân Đại Việt nhiều trận bị thiệt hại.
Trần Kiện đầu hàng khiến phía Nam bị bỏ ngỏ, Trần Quang Khải được lệnh thống lĩnh quân đến phía Nam chặn Toa Đô. Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả).
Tháng 4 năm 1285, Thoát Hoan sai quân hộ tống Trần Kiện cùng các tôn thất nhà Trần đã đầu hàng về Bắc diện kiến hoàng đế Nguyên là Hốt Tất Liệt.
Thế nhưng đến ải Chi Lăng, toán quân này bị quân Đại Việt phục kích vây đánh. Trần Kiện phá vòng vây chạy lên phía trước lại bị toán dân quân đón đánh. Gia tướng của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô dùng tên bắn chết Trần Kiện trên lưng ngựa.
Trần Văn Lộng: Cháu của Thái sư Trần Thủ Độ
Trần Văn Lộng là cháu của Thái sư Trần Thủ Độ, được cử làm tướng trấn giữ vùng Tam Đái. Năm 1284 quân Nguyên tiến đánh, Văn Lộng đem cả gia quyến ra đầu hàng rồi mang quân tấn công lại quân Đại Việt.
Thế nhưng kết quả Đại Việt đại thắng, Trần Văn Lộng phải chạy trối chết sang Trung Quốc, sau này được làm quan rồi chết nơi đất khách quê người.
Hoàng tử Trần Ích Tắc: Con vua Trần Thái Tông
Trần Ích Tắc là hoàng tử thứ năm, con của vua Trần Thái Tông, em vua Trần Thánh Tông, vốn là người giỏi văn hay chữ chứ không giỏi võ. Khi Giang Sơn bị nhà Nguyên dòm ngó, các võ tướng được coi trọng, vì thế mà Trần Ích Tắc không được xem trọng. Ông bất phục các hoàng tử khác, đặc biệt là Trần Hoảng (sau này được lên ngôi vua hiệu là Trần Thánh Tông).
Thấy mình tài giỏi mà không được xem trọng, văn tài giỏi nhất nhưng lại không được lên ngôi vua, Trần Ích Tắc rất bất bình. Khi quân Nguyên chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ hai, Trần Ích Tắc thấy đây là cơ hội tốt nhất để có thể lên ngôi vua, nên thông qua các lái buôn ở Vân Đồn đưa thư đầu hàng giặc.
Khi quân Nguyên tiến sang, Trần Ích Tắc được cử đưa quân trấn giữ miền Đà Giang. Khi quân Nguyên đến, Ích Tắc đưa toàn bộ gia quyến đến đầu hàng và được phong là An Nam Quốc Vương.
Thế nhưng Đại Việt đã giành chiến thắng khiến âm mưu lên ngôi vua của Ích Tắc sụp đổ, Trần Ích Tắc sang sống và mất ở Trung Quốc.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong làm vua. Người Nguyên phong là An Nam Quốc Vương. Sau khi người Nguyên thất bại, Ích Tắc lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc“.
Tại Đại Việt, nhà Trần loại Trần Ích Tắc ra khỏi tông thất, đặt tên là Ả Trần, vĩnh viễn không còn liên hệ huyết thống với con cháu của Trần Ích Tắc sau này.
Sau này con trai của Ích Tắc là Trần Hữu Lượng tham gia cuộc khởi nghĩa chống lại quân Nguyên ở Trung Quốc, chiếm được cả một vùng rộng lớn, lên ngôi Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Hán, niên hiệu là Đại Nghĩa.
Trong cuộc chiến với Chu Nguyên Chương, Trần Hữu Lượng gặp bất lợi, nhiều lần muốn giảng hòa với nhà Trần nhưng đều bị cự tuyệt. Năm 1363, Trần Hữu Lượng tử trận trong trận đánh ở hồ Bà Dương.
Nhà Trần luận tội hàng tướng. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com).
Tổng kết lại, trong cuộc chiến chống quân Nguyên, trước thế giặc hùng mạnh, rất nhiều người dao động sợ hãi mà bí mật âm thầm viết thư xin hàng quân Nguyên.
Về số phận của những người này, Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau: “Năm [1289], tháng 5, sau khi đánh thắng quân Nguyên lần thứ ba, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng [Trần Thánh Tông] sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính”.
XEM THÊM: