Dân Việt

Bệnh viện đặt tên “quốc tế” để làm... truyền thông (Kỳ 3)

Phi Long - Đình Việt 18/09/2019 06:00 GMT+7
Đại diện một số bệnh viện, phòng khám có gắn mác “quốc tế” khẳng định họ không được tổ chức nào công nhận là bệnh viện hay phòng khám đạt chuẩn quốc tế. Chữ “quốc tế” được gắn lên bảng hiệu đều do họ tự gắn. Thậm chí có đơn vị còn tiết lộ việc đặt tên có chữ “quốc tế” chỉ để tiện... làm truyền thông.

Đặt tên để bắt “trend” (xu hướng)

Kỳ 1 loạt bài “Ồ ạt bệnh viện quốc tế tự phong” mà NTNN/Dân Việt đã phản ánh, thị trường khám chữa bệnh ở Hà Nội có rất nhiều bệnh viện, phòng khám có tên quốc tế nhưng chất lượng khám chữa bệnh tại những bệnh viện, phòng khám này có “đạt chuẩn quốc tế” lại là vấn đề hoàn toàn khác.

img

Đội ngũ bác sĩ của các bệnh viện quốc tế được giới thiệu là bác sĩ làm việc tại các bệnh viện công như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y Dược, Bệnh viện Từ Dũ... (Ảnh minh họa)

Để có thông tin khách quan, phóng viên đã làm việc với một số bệnh viện, phòng khám gắn tên “quốc tế”. Bà Nguyễn Mỹ Bình – bộ phận truyền thông của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, đơn vị này có chữ “quốc tế” trong tên gọi chứ không phải là được công nhận là bệnh viện quốc tế.

“Khi đi đăng ký giấy phép hoạt động phải có tên nên chúng tôi để là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Quy định pháp luật không cấm đặt tên có chữ quốc tế nên khi đi đăng ký chúng tôi đã để tên này”- bà Bình nói.

Theo bà Bình, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc không có vốn đầu tư nước ngoài, 100% vốn là của người Việt Nam. Bệnh viện chỉ hợp tác với các công ty cung cấp nhân lực về bác sĩ nước ngoài để tuyển dụng họ về làm việc.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cũng cho biết, hiện nay bệnh viện này có 6 bác sĩ người nước ngoài, trong đó 3 bác sĩ chuyên về ung bướu và 3 bác sĩ chuyên sản. “Chúng tôi chưa được tổ chức nào công nhận là bệnh viện quốc tế và chất lượng dịch vụ quốc tế” – bà Bình khẳng định.

Tương tự, bà Mạc Thị Diễm Ngọc – Phòng truyền thông Bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, đơn vị này không phải là bệnh viện quốc tế hay được công nhận là bệnh viện có chất lượng dịch vụ quốc tế, phòng khám của bệnh viện này cũng vậy. Bệnh viện Hồng Ngọc hiện 100% vốn đầu tư của Việt Nam.

Theo bà Ngọc, cách đây 5 năm, rộ lên phong trào thêm chữ “quốc tế” vào tên gọi của bệnh viện để quảng bá thương hiệu tới khách hàng ấn tượng hơn. Sau đó, Sở Y tế có nhắc nhở là không được dùng chữ “quốc tế” tùy tiện nên đơn vị  đã che và thu hồi chữ “quốc tế” trên tất cả các bảng biển, ấn phẩm quảng cáo. Việc che và thu hồi chữ quốc tế được Bệnh viện Hồng Ngọc thực hiện cách đây 3 năm.

“Lúc đầu, chúng tôi tư vấn cho lãnh đạo bệnh viện đưa chữ “quốc tế” vào để làm truyền thông, nhưng sau khi được biết là không được phép sử dụng một cách tùy tiện nên chúng tôi bỏ. Hiện nay, chúng tôi cũng không đi theo hướng “quốc tế” nữa mà tập trung đẩy mạnh phát triển chất lượng đội ngũ bác sĩ. Thời điểm đó chúng tôi  bắt “trend” về truyền thông thôi” – bà Ngọc nói.

Hơn nữa, theo bà Ngọc, việc đặt tên này cũng xuất phát từ thực tế, Bệnh viện Hồng Ngọc có hợp tác đào tạo chuyên môn cho đội ngũ y tế ở nhiều nước bằng cách mời chuyên gia về giảng dạy, hoặc gửi các bác sĩ đi học tập tại nước ngoài. 

Đồng thời, bệnh viện luôn hướng tới cung cách làm dịch vụ như một bệnh viện tư nhân với chất lượng quốc tế nên mới sử dụng chữ này để truyền đạt tới khách hàng.

Vì sao khám “quốc tế” phải có giá cao?

Về giá dịch vụ, đại diện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho rằng, vì là bệnh viện tư nhân nên giá dịch vụ khám chữa bệnh không cần ngành y tế phê duyệt, nhưng phải công khai giá cho người dân biết. Đơn vị này công khai giá trên website để khách hàng có thể nắm được trước khi đến khám.

Về việc giá dịch vụ đắt hơn nhiều nơi khác, bà Bình lý giải, giá dịch vụ hiện tại của bệnh viện được tham khảo từ các bệnh viện công và bệnh viện tư nhân cùng hạng, sau đó, bệnh viện đã xây dựng bảng giá khám chữa bệnh như hiện nay.  “Đánh giá phí dịch vụ khám chữa bệnh cao thấp cũng rất vô cùng. Người thu nhập cao sẽ thấy giá này bình thường, người thu nhập thấp sẽ thấy là cao” – bà Bình nhấn mạnh.

“Chất lượng dịch vụ luôn đi kèm với giá cả, nếu không tương xứng khách hàng sẽ sẵn sàng từ bỏ để tới với một bên khác. Vì vậy, chúng tôi chỉ dám nhận là mình luốn cố gắng hướng tới dịch vụ có chất lượng quốc tế để ngày càng làm hài lòng bệnh nhân”- bà Ngọc thông tin.

Lý giải về quảng cáo Bệnh viện Hồng Ngọc là “bệnh viện khách sạn”, “5 sao”, bà Ngọc thừa nhận, thực chất cũng chưa có tổ chức, đơn vị nào chứng nhận việc này. Mà xuất phát từ việc “sếp” của bệnh viện đi lên từ ngành khách sạn, nên muốn xây dựng cung cách phục vụ, dịch vụ của bệnh viện giống như tiêu chuẩn của một khách sạn 5 sao.

Phóng viên đặt câu hỏi, cách đây 3 năm bệnh viện đã cho bỏ tất cả chữ quốc tế trên các biển, ấn phẩm quảng cáo nhưng hiện trên website của bệnh viện vẫn quảng cáo Phòng khám Hồng Ngọc Keangnam là phòng khám khám quốc tế? Trả lời câu hỏi này, bà Ngọc cho rằng đây là lỗi của đội ngũ kỹ thuật, sắp tới sẽ yêu cầu đội kỹ thuật bỏ chữ quốc tế.

Bệnh viện quảng cáo sai sự thật bị phạt đến 70 triệu đồng

Theo quy định tại Điều 9 Luật Quảng cáo 2012, việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, chất lượng, giá, công dụng… là một trong những hành vi bị cấm. Đơn vị nào vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự: Phạt từ 50 - 70 triệu đồng nếu quảng cáo sai sự thật theo quy định tại Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP; Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm theo quy định tại Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015.