Hàng loạt vụ tai nạn đáng tiếc
Tháng 5.2011, một bé gái 2 tuổi đã bị đứt gân 4 ngón tay do bị kẹt vào bậc thang cuốn tại một siêu thị. Các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết gân giữa điều khiển chức năng gập duỗi ở các ngón tay của bé đã bị nghiến đứt.
Tai nạn do thang cuốn xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc |
Cuối năm 2010, bé trai 5 tuổi bị gãy chân do sự cố thang cuốn tại một trung tâm thương mại ở quận 1 TP Hồ Chí Minh. Năm 2008, một bé trai 3 tuổi khác cũng bị kẹt 2 ngón chân vào thang cuốn ở một trung tâm thương mại tại quận Tân Bình. Trước đó, ngày 26.7.2008 tại siêu thị Fivimart Hà Nội, một bé gái 26 tháng tuổi bị kẹt vào thang cuốn và đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật do vết thương khá nặng.
Không chỉ có trẻ nhỏ mà người già, người mới đi thang cuốn lần đầu cũng có nguy cơ bị tai nạn cao khi đi thang cuốn. Cơ chế hoạt động của thang cuốn theo dạng băng chuyền, có thể gây kẹt tay chân nếu trẻ leo trèo, chạm tay vào khe cuộn của thang.
Sau hàng loạt vụ tai nạn thang cuốn xảy ra, trên một số diễn đàn mạng, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại: “Một lần khi đi siêu thị mẹ tôi bị trượt chân, may mà tôi đi bên cạnh đỡ kịp. Từ đó bà cụ không bao giờ bước lên thang cuốn nữa. Tôi nghĩ rằng tại những nơi đặt cầu thang cuốn đơn vị quản lý cần bố trí người trực thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời khi có tai nạn xảy ra chứ cứ bỏ mặc khách hàng như thế này thì quá nguy hiểm” - nick quangsang chia sẻ.
Nick honghoa tỏ ý tán đồng: “Người lớn chỉ cần bước hụt một cái là có thể bị ngã, nói gì đến trẻ em. Khi xảy ra tai nạn chỉ có người gặp nạn là thiệt, chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm hay bồi thường. Chỉ thương những em bé chẳng may bị nạn mang thương tật suốt đời. Các bậc cha mẹ nên tự bảo vệ con mình”.
Không có cảnh báo
Thang cuốn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn |
Thông thường cầu thang cuốn là một trong những thiết bị tự động khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị… nằm rải rác trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy bên cạnh số ít những đơn vị chủ quản đã trang bị các biển báo, quy định và bảng hướng dẫn cụ thể, đồng thời các nhân viên siêu thị cũng thường xuyên có mặt tại đây để hướng dẫn khách hàng hoặc xử lý các sự cố có thể xảy ra thì vẫn còn không ít nơi không hề có biển cảnh báo hay những khuyến cáo cần thiết về mức độ nguy hiểm của thiết bị này đối với người sử dụng.
Anh Nguyễn Văn Thủy, ở phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm nhận xét: “Tôi cho rằng các siêu thị, trung tâm thương mại nên gắn bảng nội quy, không cho trẻ em dưới 6 tuổi tự đi cầu thang cuốn khi không có người lớn đi kèm và có người trực, quản lý thiết bị để có thể xử lý ngay khi có sự cố xảy ra.
Ở mỗi đầu thang cuốn nên có những công tắc khẩn cấp đề phòng khi có những tai nạn bất ngờ. Nó có thể giúp người dân hoặc nhân viên bảo vệ có thể dừng thang ngay lập tức, ngăn không cho sự cố thêm trầm trọng. Một số vụ tai nạn xảy ra gần đây khiến rất nhiều người lo ngại về độ an toàn của thiết bị này…”.
Thực tế cho thấy, người già và trẻ em là hai đối tượng thường dễ xảy ra tai nạn khi sử dụng thang cuốn. Tuy vậy, ở một số trung tâm thương mại, thang cuốn đặt rất sát các vách ngăn bằng kính, lỡ trẻ bị vướng tay vào đó sẽ rất dễ bị kẹt không thể rút ra được.
Chị Nguyễn Thu Nga, ở quận Cầu Giấy kể lại: “Tôi đã nhìn thấy trường hợp một em bé suýt bị gãy tay vì mắc kẹt vào bức tường kính, ngay cạnh tay vịn của thang cuốn. Tôi cho rằng các siêu thị phải thiết kế khoảng cách phù hợp giữa thang cuốn và các vật xung quanh, ít nhất khoảng 15-20cm, để trong trường hợp trẻ bị kẹt tay vào đó sẽ không bị mắc lại, rất nguy hiểm khi thang cuốn đang hoạt động.
Tôi đã ra nước ngoài và nhận thấy hầu hết cầu thang cuốn của họ luôn được thiết kế để tránh rủi ro cho người sử dụng. Để tránh bị kẹt tay hoặc bị bám do ma sát khi người dùng bám chặt vào tay vịn thang cuốn, một số trung tâm thương mại ở nước ngoài đã thiết kế một số sợi bằng nhựa hướng ngược lại với hướng chuyển động của tay vịn. Sợi nhựa này đủ cứng để không bị bẻ cong theo chiều chuyển động của tay vịn mà vẫn luôn tì nhẹ vào mặt tay vịn. Nếu có các sợi nhựa này thì hoàn toàn tránh được các vật bị cuốn theo tay vịn vào khe của thang cuốn”.
Về vấn đề trên, Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, không ít tai nạn liên quan đến sử dụng thang cuốn xảy ra ở Việt Nam nhưng rất hiếm khi nạn nhân kiện đơn vị chủ thang cuốn đòi bồi thường thiệt hại. Có thể do hai bên đã giải quyết bằng thương lượng hoặc nạn nhân xác định rõ do lỗi chủ quan của mình.
Tuy nhiên, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, đơn vị cho lắp đặt thang cuốn, cụ thể là các khu trung tâm thương mại lớn nên có bảng hướng dẫn sử dụng thang cuốn đúng cách và an toàn. Bên cạnh đó, người sử dụng cũng nên quan tâm đến sự an toàn của chính mình khi sử dụng thang cuốn. Có như vậy mới hạn chế được rủi ro từ thiết bị tự động này.
Để giảm bớt tai nạn do thang cuốn, ông Dương Đình Thắng, nguyên kỹ sư Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đưa ra lời khuyên: Người sử dụng nên giữ tay vịn khi sử dụng thang cuốn. Không sử dụng thang cuốn với mục đích vận chuyển các kiện hàng lớn hay đẩy hàng trên các thiết bị có bánh xe. Không nên sử dụng thang cuốn khi đi bằng nạng.
Kiểm tra y phục như váy, cà vạt, khăn choàng, dây giày... để tránh bị quấn vào khe thang. Trẻ em cần phải có người lớn đi kèm. Nhìn thẳng về hướng đi. Khi kết thúc lượt đi nên ra khỏi khu vực thang để tránh ùn tắc. Đứng nép về một bên thang để người khác có thể đi qua khi họ cần.