Dân Việt

VTC, VPF đang “tạo tiền lệ” xấu về bản quyền truyền hình?

14/02/2012 14:59 GMT+7
Những tranh chấp liên quan đến vấn đề bản quyền truyền hình trong thời gian chờ kết quả thanh tra tiếp tục nóng với việc VTC cho xe vào sân ghi hình tại vòng 5 V-League mà chưa xin phép AVG.

Trước đó, ngày 8.2, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã có công văn gửi đài VTC khuyến cáo và đề nghị VTC tôn trọng hợp đồng bản quyền VFF-AVG.

Chiều 11.2, trên sân vận động Hàng Đẫy - Hà Nội lại diễn ra cảnh có hai xe màu tác nghiệp ghi hình trận đấu giữa Hà Nội T&T và Thanh Hóa.

Việc AVG hợp tác với gần 40 đài truyền hình địa phương để phát sóng trận đấu này đã tạo ra cơ hội cho khoảng 45 triệu người ở khắp mọi miền Tổ quốc có thể xem được trận đấu trên sân Hàng Đẫy.

img
Xe màu của VTC tác nghiệp trong một trận đấu ở giải VĐQG 2012

Từ góc độ chi phí, việc có hai, ba xe màu cùng tác nghiệp ghi hình vô hình trung đã làm cho chi phí sản xuất và phát sóng trực tiếp một trận bóng đá bị nhân lên gấp đôi, gấp ba.

Từ góc độ pháp lý, việc VTC chống lại yêu cầu của Bộ VHTTDL phải tôn trọng hợp đồng giữa VFF và AVG đang tạo ra những hệ lụy nguy hiểm cho môi trường kinh doanh bản quyền truyền hình tại Việt Nam.

Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình bóng đá giữa VFF và AVG đã từng làm tốn nhiều giấy mực của các báo, đài trong quá trình đàm phán, ký kết năm 2010.

Sau khi hợp đồng được ký kết, AVG đã đứng ra phân phối bản quyền cho VTV, VCTV, VTC và các đài địa phương khác và việc này diễn ra suôn sẻ. Kết quả năm đầu rất khả quan khi số trận bóng đá được truyền hình trực tiếp tăng từ 148 trận năm 2010 lên đến 345 trận năm 2011, trong đó VTC cũng là một đơn vị mua đáng kể.

Tuy nhiên, từ sau khi VPF được thành lập và công khai tuyên bố sẽ “đòi lại” bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp thì việc tổ chức ghi hình và tường thuật trực tiếp các giải bóng đá tại Việt Nam đã trở nên hỗn loạn.

VPF đang tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong việc vi phạm thương quyền truyền hình bóng đá nói riêng và thể thao nói chung tại Việt Nam.

Hậu quả của việc vi phạm thương quyền và bản quyền truyền hình về lâu dài là rất nghiêm trọng. Chất lượng sóng không tốt, quyền lợi của người xem truyền hình không đảm bảo (trận đấu bóng đá trên sân Ninh Bình do VTC tường thuật chỉ lên hình từ phút 30, trận đấu trên sân Hải Phòng do VTC tường thuật chỉ lên hình từ phút 65).

Việc vi phạm bản quyền có hệ thống và trên diện rộng cũng sẽ khiến cộng đồng bản quyền nước ngoài dè chừng, không giao dịch với các đối tác Việt Nam. 

Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, là một thành viên của WTO, việc vi phạm bản quyền truyền hình như VTC sẽ tạo ra những tiền lệ xấu trong việc thực hiện công ước về quyền tác giả mà Việt Nam đã ký kết.

Hợp đồng giữa VFF và AVG đang được cơ quan có thẩm quyền thanh tra. Chờ cho đến khi có kết luận thanh tra thì đây vẫn là hợp đồng hợp lệ và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan.

Theo Bee